Triều Tiên đang khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản “đứng ngồi không yên”
Thế giới - Ngày đăng : 08:52, 22/05/2017
Thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa cơ động trên bộ mới được phát triển từ đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm có tên "Bắc Cực 2" (Pukguksong-2) vào chiều muộn ngày 21/5/2017.
Loại tên lửa đạn đạo mới Pukguksong-2 sử dụng động cơ nhiêu liệu rắn, được bắn đi từ một bệ phóng di động. Pukguksong-2 cũng chính là một biến thể được Triều Tiên phát triển từ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong-1, cũng đã được Bình Nhưỡng tiến hành thành công trước đó.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa Pukguksong-2 về hướng Đông vào lúc 16h59' (giờ địa phương), từ một địa điểm gần Pukchang, tỉnh Nam Pyeongan.
Pukguksong-2 đã bay được khoảng 500 km và được cho đã rơi xuống vùng biển ở ngoài khơi bờ biển miền Đông Hàn Quốc. Nguồn tin từ Nhà Trắng cũng xác nhận, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM), có tầm bắn ngắn hơn so với các tên lửa trong 3 vụ thử gần đây nhất của nước này.
Không lâu sau khi Triều Tiên xác định phóng thành công một tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông nước này hôm 21/5, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm và lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường gây sức ép buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho hành động nêu trên.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ quan điểm và lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên
Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc kiểm tra xem liệu Triền Tiên có bất kỳ động thái bất thường nào khác hay không.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng ra lệnh “phản ứng cứng rắn” trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm thảo luận về "hành động gây hấn" mới nhất mà Triều Tiên thực hiện.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, cho rằng hành động này là "liều lĩnh và vô trách nhiệm", làm tiêu tan hy vọng về hòa bình của tân Chính phủ Hàn Quốc.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, bằng việc thử 2 tên lửa chỉ trong vòng 1 tuần, Triều Tiên “đang chà đạp lên các nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình bất ổn trong khu vực của cộng đồng quốc tế”.
Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa vấn đề Triều Tiên phóng tên lửa ra Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) tại Italy trong tháng Năm này. Tuyên bố được Thủ tướng Abe đưa ra với báo giới sau cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản.
Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga tuyên bố, Tokyo cực lực phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Nhật Bản không thể tha thứ cho các hành động khiêu khích được lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng.
Còn với Mỹ, ngoại trưởng Mỹ - Rex Tillerson đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho đây là hành động “thất vọng, đáng lo ngại” và yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hành động này. Trả lời phỏng vấn hãng Fox News, ông Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép về kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên. Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng cảnh báo tất cả các lựa chọn cũng như biện pháp đối phó với Triều Tiên đã sẵn sàng, trong đó có cả biện pháp quân sự.
Đây là lần thứ 8 Triều Tiên thử tên lửa trong năm nay. Và việc Triều Tiên sẽ còn phóng tên lửa và thậm chí tiếp tục thử nghiệm hạt nhân là điều được nhiều nước và nhiều chuyên gia dự báo. Bởi Triều Tiên coi việc tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa là phương cách hiệu quả nhất để đảm bảo an ninh, đồng thời như con bài giá trị nhất để mặc cả với tất cả các đối tác.
Tuy nhiên, dù là thử nghiệm hay cố tình khiêu khích thì những lần phóng tên lửa với tần suất dày đặc như hiện nay đã khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng ngồi không yên.
Và những thông điệp cảnh báo cứng rắn của các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cho thấy, tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã “nóng”, nay lại càng tiệm cận nguy cơ bùng cháy dữ dội và nguy hiểm.