Sự hiếu chiến của Triều Tiên đang khiến Thái Bình Dương “sôi sục”
Thế giới - Ngày đăng : 09:36, 15/05/2017
Ngày 14/5, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa từ bờ biển phía tây, ở huyện Kuson tỉnh Pyongan. Tên lửa đã bay trong vòng 30 phút, đạt đến độ cao 1.240 dặm (2.000 km) trước khi rơi xuống vùng biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Vị trí rơi này cũng cách thành phố Vladivostok ở miền đông nước Nga khoảng 60 dặm.
CNN dẫn lời ông David Wright thuộc Hiệp hội Các vấn đề nhà khoa học quan tâm (Union of Concerned Scientists) cho rằng, độ cao và thời gian bay dài hơn cho thấy tên lửa này là một loại hoạt động trong phạm vi rộng. Nếu tên lửa vừa được phóng của Triều Tiên đã đạt được tới độ cao và thời gian bay như vậy, thì nó có thể bay tới đảo Guam của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương.
Được biết, Guam là nơi đóng quân của Căn cứ không quân Andersen, nơi đây có các máy bay ném bom hạng năng của Không lực Mỹ, bao gồm máy bay B-1, B-2 và B-52.
Trong khi đó, một chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định, nếu tên lửa vừa phóng của Triều Tiên đến được đảo Guam, có nghĩa là nước này không cần theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) – loại có thể tiếp cận được đất liền của Mỹ.
Một quả tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng
Bày tỏ quan điểm về vụ thử tên lửa, ông Moon cho rằng, hành động này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và gọi đó là một thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh của bán đảo Triều Tiên và thế giới.
Ông Moon đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phát biểu trong phiên họp, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Hàn Quốc cần chỉ cho Triều Tiên thấy rằng, đối thoại chỉ có thể diễn ra trong trường hợp Triều Tiên thay đổi thái độ”. Ông Moon cũng cảnh báo, Seoul sẽ đáp lại những khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Bên cạnh việc chỉ đạo quân đội tăng cường ngăn chặn các mối đe dọa về quân sự trên cơ sở hợp tác với đồng minh Mỹ, tân Tổng thống Hàn Quốc còn chỉ thị quân đội đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng nước này, mang tên Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD).
Cũng trong ngày 14/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Phát biểu tại phủ Thủ tướng, ông Abe cho biết, "Một lần nữa Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo bất chấp những cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Điều này không thể chấp nhận được. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ”.
Ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm. Phát biểu trước báo giới sau cuộc điện đàm, ông Abe cho biết, “Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và đang phân tích tình hình để có thể sẵn sàng đối phó với những diễn biến mới”.
Và theo Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên sáng nay phóng thử một tên lửa ra biển Nhật Bản trong cuộc gặp ở Bắc Kinh.
Carl Schuster, một giáo sư Đại học Hawaii Thái Bình Dương và cựu quan chức thuộc Trung tâm Tình báo liên quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, hướng bay của tên lửa này rất gần Nga, như một thông điệp của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi tới Matxcova và Bắc Kinh rằng, Triều Tiên “có thể chạm tới Nga” và Triều Tiên “độc lập” dù Trung Quốc nghĩ gì.
Hiện, các hệ thống phòng không của Nga ở vùng Viễn Đông đang trong tình trạng sẵn sàng cao liên quan đến vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tuy biết rằng Nga không phải là mục tiêu của vụ phóng, nhưng cần bảo vệ mình khỏi các sự cố tiềm năng, ông Viktor Ozerov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang nói với Sputnik.
Về phía Mỹ, ông Trump cho biết, cần áp đặt các biện pháp trừng pháp cứng rắn hơn nữa chống lại Triều Tiên. Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, “Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này của Bình Nhưỡng là lời kêu gọi tất cả các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa chống lại Triều Tiên”.
Nhưng dù cho lệnh trừng phạt có cứng rắn đến đâu đi chăng nữa, Triều Tiên vẫn liên tục tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân.
Cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun ngày 14/5 cho biết, Triều Tiên sẽ xây dựng quân đội để tăng khả năng tự vệ bởi “Mỹ và những nước đi theo đang gia tăng sức ép” và “đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát”.