Vì sao Nghị sĩ Anh bất chấp nguy hiểm cứu người bị thương sau vụ khủng bố?

Thế giới - Ngày đăng : 09:30, 24/03/2017

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tobias Ellwood được ca ngợi là “người hùng” giữa vụ khủng bố ở London. Từ trong văn phòng, ông lao ra ngoài sơ cứu người bị thương, dù cảnh sát yêu cầu mọi người ở trong hoặc sơ tán an toàn.

Ông Tobias Ellewood - nghị sĩ đảng Bảo thủ, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi của Vương quốc Anh (thuộc Bộ Ngoại giao) đã được báo chí Anh ca ngợi như một “người anh hùng” trong vụ tấn công khủng bố trước tòa nhà Quốc hội Anh.

Theo tờ Daily Mail, ông Ellewood thay vì bỏ chạy đã liều mình ở lại hiện trường để trợ giúp viên cảnh sát bị kẻ khủng bố đâm nhiều nhát. Được biết, lúc đó tình hình đang rất nguy hiểm, mọi nhân viên, quan chức trong tòa nhà quốc hội đều được yêu cầu không ra ngoài, những người bên ngoài thì được hướng dẫn chạy thoát thân. Nhưng ông Ellwood đã không màng đến sự nguy hiểm của bản thân, lao ra cứu người.

Vì sao Nghị sĩ Anh bất chấp nguy hiểm cứu người bị thương sau vụ khủng bố?

Ông Ellewood thay vì bỏ chạy đã liều mình ở lại hiện trường để trợ giúp viên cảnh sát bị kẻ khủng bố đâm nhiều nhát

Có mặt gần ở hiện trường, nghị sĩ Ellwood nhanh chân hơn nhiều nhân viên an ninh và y tế chuyên nghiệp khác. Vốn cũng là một cựu quân nhân nên ông Ellewood nắm rõ các quy tắc sơ cứu, ông tiến hành hô hấp nhân tạo và cố gắng bịt các vết thương để cầm máu cho viên cảnh sát trước khi lực lượng y tế có mặt. Sau đó, ông Ellwood trở về nơi làm việc là Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên do mất máu quá nhiều, viên cảnh sát đã qua đời không lâu sau đó dù được nhân viên y tế khẩn trương cấp cứu. Người cảnh sát bị thiệt mạng sau đó được xác nhận là Keith Palmer (48 tuổi), là thành viên của Lực lượng Bảo vệ Ngoại giao Quốc hội 15 năm qua.

Phát biểu vài giờ sau cuộc tấn công, ông Ellwood cho biết: “Tôi là nhân chứng, là người có mặt ở hiện trường trước khi viên cảnh sát ấy qua đời. Tôi đã cố gắng để cầm máu và hô hấp nhân tạo cho anh ấy trong khi chờ đợi nhân viên y tế, nhưng anh ấy đã mất quá nhiều máu. Trên lưng và cánh tay của anh ấy có rất nhiều vết thương.”

Hành động của ông Ellwood đã được báo chí Anh và cộng đồng mạng hết lời khen ngợi. Nhân chứng Hugh Dickinson – một sinh viên 21 tuổi, người chứng kiến toàn bộ sự việc đã đăng tải một bức ảnh chụp ông Ellwood lên Twitter. Dickinson cho biết, “Ông Ellwood dính máu trên trán nhưng vẫn khá ổn, không bị choáng váng hay gì cả.”

Một người dân khác cũng viết trênTwitter: “Ellwood đã làm một điều tuyệt vời. Tôi tin rằng gia đình viên cảnh sát sẽ mãi mãi biết ơn nỗ lực sơ cứu của Ellwood. Đây là một hình ảnh đẹp về người công chức mang trong mình sứ mệnh hoạt động vì nhân dân”.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Ben Howlett viết trên Twitter ngày 22/3: "Tobias Ellwood là một anh hùng thật sự vì những gì ông đã làm để giúp viên cảnh sát trong buổi chiều nay".

Còn lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, ông Tim Farron thì phát biểu: "Hôm nay, Tobias đã làm lừng danh các nghị sĩ. Ông ấy là hẳn là người hùng, một người hùng đúng nghĩa theo cách đơn giản nhất".

Sự dũng cảm của ông Ellwood đã được ca ngợi rộng rãi, nhưng ít ai biết rằng, ông Ellwood cũng từng trải qua nỗi đau buồn vì mất người thân dưới tay các phần tử khủng bố. Có lẽ đó chính là một động lực mạnh mẽ để ông quyết định xả thân cứu người.

Vì sao Nghị sĩ Anh bất chấp nguy hiểm cứu người bị thương sau vụ khủng bố?

Ông Ellwood cũng từng trải qua nỗi đau buồn vì mất người thân dưới tay các phần tử khủng bố

Được biết, Em trai ông Ellwood là giáo viên trẻ tên Jonathan. Trong lần sang Bali (Indonesia) dự hội thảo vào tháng 10/2002, Jonathan Ellwood đã thiệt mạng vì trúng bom của khủng bố. Vụ đánh bom kinh hoàng ấy đã lấy mạng 202 thường dân vô tội, trong đó có 23 người mang quốc tịch Anh.

Trước đây, ông Ellwood từng chia sẻ về sự đau khổ khi chính tay mình phải đón thi thể em trai trở về nước từ sau vụ đánh bom ở Bali. “Tôi chỉ muốn đưa em trai mình trở về đất mẹ. Nhưng việc ấy cần rất nhiều giấy tờ liên quan. Tôi phải tự mình làm gần như tất cả những việc ấy, đến mức tôi gần như đã đóng nắp quan tài cho chính mình”, Ellwood chia sẻ.

Vụ khủng bố ở trung tâm Thủ đô London của Anh xảy ra lúc 14h40 phút ngày 22/3. Kẻ khủng bố đã điều khiển ô tô đâm vào đám đông đang đi bộ trên vỉa hè trên cầu Westminster. Sau đó, chiếc xe đâm vào một hàng rào tại cung điện Westminster. Kẻ khủng bố ra khỏi xe và đi đến tòa nhà Quốc hội Anh. Hắn lấy dao đâm vào một cảnh sát không có vũ trang và viên cảnh sát thiệt mạng do bị thương quá nặng. Lực lượng cảnh sát đã bắn hạ tên khủng bố ngay sau đó.

Theo Thủ tướng Anh, kẻ khủng bố bị bắn hạ khi hắn cách lối vào tòa nhà Quốc hội Anh khoảng 20m. Vụ khủng bố này là nỗ lực “làm tổn hại nền dân chủ Anh”, nhưng nước Anh “sẽ không lo sợ” chủ nghĩa khủng bố và sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.

Bà Theresa May cũng cho biết tổng có có 12 người Anh, 3 trẻ em người Pháp, 2 người Romania, 4 người Hàn Quốc, 2 người Hy Lạp, Ba Lan, Ireland, Trung Quốc, Italia và Mỹ mỗi nước có 1 công dân thương vong trong vụ tấn công này.

Mới đây, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ khủng bố. Cảnh sát Anh cũng cho biết, danh tính của kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố là Khaled Masud (52 tuổi), một người gốc Kent, gần đây sống ở hạt West Midlands.

Hà Kim