Trump và Merkel - cuộc gặp gỡ “khác lạ” của hai phong cách đối lập

Thế giới - Ngày đăng : 17:37, 20/03/2017

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel là hai người có tính cách đối lập, họ bắt đầu cuộc gặp một cách gượng gạo và kết thúc còn kỳ quặc hơn khi ông Trump châm biếm về việc bị nghe lén khiến người đồng cấp Đức bối rối ra mặt.

Theo SCMP, thật khó tưởng tượng hai nhà lãnh đạo nào có phong cách trái ngược nhau hơn Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi bà Merkel là một nhà vật lý thận trọng, người thường cân nhắc kỹ khi ra quyết định và không thích thú sự chú ý tuy bà là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu. Còn ông Trump là trùm bất động sản giàu có ở New York, người khá bộc trực và luôn thích làm tâm điểm chú ý.

Cả hai tiếp tục “đào sâu” sự khác biệt khó có thể che giấu của mình trong cuộc gặp đầu tiên giữa tân Tổng thống Hoa Kỳ và nữ Thủ tướng kỳ cựu của nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Theo Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, thì cuộc gặp này mang ý nghĩa lớn về mối quan hệ của Trump với châu Âu. Đây được xem là cơ hội có thể quyết định tương lai của mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây dương cũng như hình thành nên mối quan hệ công việc song phương.

Mặc dù bà Merkel xuất hiện khá thoải mái, song ngôn ngữ cơ thể giữa hai nhà lãnh đạo không thực sự nồng ấm. Khác với cái bắt tay kéo dài 19 giây với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, thì ông Trump lại một mực từ chối bắt tay với bà Merkel tại phòng Bầu Dục.

Trump và Merkel - cuộc gặp gỡ “khác lạ” của hai phong cách đối lập

Trump và Merkel - cuộc gặp gỡ “khác lạ” của hai phong cách đối lập

Các quan chức Đức cho hay, bà Merkel đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi của mình. Bà Merkel cũng thừa nhận bà không thích những bất ngờ. Tuy nhiên, với một lãnh đạo khó đoán như Trump, bà rất có thể gặp những tình huống bà không mong đợi. Và điều đó đã thực sự xảy ra.

Bắt đầu buổi họp báo, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu người đồng cấp Đức phải đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO và bà Merkel cũng lặp lại cam kết sẽ tăng chi phí quân sự lên mức 2%.

Ông chủ Nhà Trắng còn nhắc tới những cáo buộc việc chính quyền Obama nghe trộm điện thoại của mình và bày tỏ sự đồng cảm với bà Merkel đang hết sức ngạc nhiên.

Ông Trump nói với bà Merkel rằng: “Về vấn đề bị nghe lén, mà theo tôi đoán, là do chính quyền trước, ít nhất chúng ta cũng có điểm gì đó chung”, trong khi bà Merkel nhìn chằm chằm vào ông Trump hết sức bối rối.

Được biết, trước đó vào năm 2013, chính phủ Đức từng cáo buộc Washington vì khả năng đã theo dõi bà Merkel. Chính phủ Đức cho biết, họ có trong tay thông tin rằng Hoa Kỳ có thể đã giám sát điện thoại di dộng của bà Merkel, đề nghị bà gọi điện cho ông Obama để yêu cầu làm rõ sự việc ngay lập tức.

Tại buổi họp báo chung sau đó, Thủ tướng Đức bắt đầu lời nhận xét của bằng câu nói, “tốt hơn là nói chuyện trực tiếp với nhau thay vì nói về nhau”.”Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại mà cả hai đều cố gắng giải quyết những lĩnh vực mà chúng tôi không thống nhất. Không chỉ vậy, chúng tôi còn cố gắng giúp mọi người xích lại gần nhau, cố đưa ra một sự thỏa hiệp tốt cho cả hai bên”.

Hai lãnh đạo còn có quan điểm trái ngược về chính sách kinh tế và đối ngoại. Ông Trump, khi còn là ứng viên Tổng thống đã chỉ trích bà Merkel vì cho phép hàng trăm nghìn người tị nạn đổ vào Đức. Trái ngược với người đồng cấp Mỹ, vừa nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng đã ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, cấm tạm thời công dân ở 6 quốc gia Hồi giáo lớn tới Mỹ, tạo ra một cơn lốc chỉ trích cả trong và ngoài nước.

Dù vậy, bà Merkel vẫn cho biết: “Đây chắc chắn là vấn đề mà chúng tôi đã có một chút trao đổi về quan điểm giữa hai bên”.

Bà Merkel vốn có mối quan hệ thân thiết với những người tiền nhiệm của ông Trump, là ông Obama và George Bush và dường như sẽ vẫn tiếp tục hướng tới một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với ông Trump bất chấp nhiều khác biệt trong chính sách cũng như sự thận trọng bên trong nước Đức về cựu doanh nhân New York này.

Hà Kim