Nguồn cơn căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan: Mưu tính quyền lực trước mắt bất chấp tất cả
Thế giới - Ngày đăng : 10:46, 14/03/2017
Hiện, không chỉ có ở khu vực châu Á với chuyện giữa Malaysia và Triều Tiên mà ở châu Âu cũng có chuyện gây sóng gió trong thế giới ngoại giao mà đỉnh điểm là quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai đều là thành viên Nato và Thổ Nhĩ Kỳ khao khát được kết nạp vào EU đã từ nhiều năm nay. Mối bất hoà hiện tại giữa hai nước bởi thế càng thêm phức tạp và nhạy cảm.
Và nguyên nhân chính của cuộc khẩu chiến này là cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16/4 tới và cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan vào ngày 15/3 này.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng cường quyền hạn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nếu thành công, nó sẽ chuyển hệ thống nghị viện của nước này thành hệ thống quyền lực tập trung vào tổng thống - tập hợp quyền lực của ba cơ quan lập pháp thành một nhánh điều hành dưới quyền ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng cường quyền hạn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan
Việc đó sẽ cho phép ông Erdogan bổ nhiệm các bộ trưởng, chuẩn bị ngân sách, lựa chọn phần lớn thẩm phán cấp cao và ban hành một số đạo luật bằng nghị định. Tổng thống có thể tự ban bố tình trạng khẩn cấp và giải tán quốc hội.
Theo CNN, các nhà phê bình gọi động thái này là phi dân chủ và nói rằng nó cho thấy ông Erdogan đang đi theo hướng cai trị kiểu độc tài kể từ sau cuộc đảo chính thất bại 8 tháng trước. Trong khi đó, ông Erdogan và đảng của ông nói rằng những người phản đối trưng cầu dân ý là "những kẻ đã lập kế hoạch đảo chính và khủng bố".
Nhưng hiện tại chưa có gì đảm bảo là ông Erdogan sẽ giành được đa số trong cuộc trưng cầu dân ý này. Vì thế, cộng sự của ông Erdogan mới phải đổ xô đi vận động tranh cử ở một số nước châu Âu bao gồm Hà Lan, Đức và Áo để kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại các quốc gia này biểu quyết đồng ý trong cuộc trưng cầu dân ý này.
Được biết, hiện có khoảng 4,6 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Tây Âu. Khoảng 500.000 người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và con cái họ sống ở Hà Lan, đa số họ có quốc tịch kép và có quyền bỏ phiếu ở cả hai quốc gia.
Tuy nhiên, có nước cho phép phía Thổ Nhĩ Kỳ vận động tranh cử trước công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu, có nước hạn chế và từ chối bằng lý do kỹ thuật. Chỉ có Hà Lan là hoàn toàn cấm.
Vì thế mới có chuyện chuyên cơ của bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không được phép hạ cánh xuống sân bay ở Hà Lan và bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ đi đường bộ từ Đức sang Hà Lan không được vào Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Rotterdam và bị áp tải dẫn đưa trở lại về Đức.
Hai bên không chỉ khẩu chiến nhau quyết liệt mà còn ăn miếng trả miếng với nhau về ngoại giao. Hết phong toả cơ quan đại diện ngoại giao lại đến trấn áp người biểu tình phản đối. Cả hai bên chủ ý leo thang căng thẳng và đối đầu chứ không nhượng bộ và tìm cách hoà dịu. Trong khoảng thời gian rất ngắn, cặp quan hệ song phương này đã xấu đi nghiêm trọng cả trong thực chất lẫn danh nghĩa.
Theo các chuyên gia, suy tính của ông Erdogan là nếu chính phủ các nước châu Âu để cho phía Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vận động tranh cử thì sẽ cải thiện được cơ hội chiến thắng, còn nếu bị cự tuyệt như hiện tại ở Hà Lan thì sẽ đổ lỗi cho các nước Phương Tây này kỳ thị và thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và Đạo Hồi, gây dựng hình ảnh về tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kiên cường bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ và Đạo Hồi trước sự thù địch của Phương Tây.
Cho nên chính phủ các nước châu Âu hành xử kiểu gì thì ông Erdogan vẫn đều được lợi và một khi đã căng thẳng với các nước này thì càng căng thẳng, ông Erdogan càng được lợi.
Về phía Hà lan, trong lần tổng tuyển cử này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang phải chịu sự thách thức thực sự về quyền lực bởi thủ lĩnh cánh cực hữu và dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Hà Lan Geert Wilders. Khả năng ông Rutte bị mất quyền về tay ông Wilders ở lần bầu cử quốc hội này hiện đang rất lớn.
Cho nên, ông Rutte có nhu cầu chứng tỏ là nhà lãnh đạo bản lĩnh và quyết đoán, cứng rắn và mạnh mẽ. Yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành vận động tranh cử ở Hà Lan là cơ hội vô cùng thuận lợi để ông Rutte thể hiện và đã được ông Rutte nhanh chóng tận lợi triệt để. Vì thế, phía Thổ Nhĩ Kỳ càng làm găng và sử dụng những ngôn từ càng thái quá thì ông Rutte càng dễ ứng xử và dễ vận hành vụ việc diễn biến theo chiều hướng có lợi nhất cho mình.
Dường như, cả hai người đều có những mưu tính của riêng mình, họ đang vì cái lợi trước mắt của bản thân mà bất chấp tất cả.