Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất: Gánh nặng cho người kế nhiệm
Thế giới - Ngày đăng : 13:07, 13/03/2017
Kết thúc buồn cho vị nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc
Bà Park Geun Hye bị phế truất và buộc phải rời khỏi chức vị Tổng thống hôm 10/3
Bà Park Geun Hye là con gái của cựu Tổng thống Park Chung Hee. Bà nhậm chức Tổng thống vào năm 2013 và được coi là một chính trị gia “có đạo đức và đáng tin cậy”. Tuy nhiên, tất cả những gì bà xây dựng đã bị đổ vỡ khi giới truyền thông phanh phui 44 bản thảo bài diễn văn mà bà Park đã phát biểu từ năm 2012-2014 có trong máy tính cá nhân của bà Choi Soon Sil, bạn thân của bà Park vào tháng 7 năm ngoái. Sự việc thực sự gây sự chú ý dư luận từ tháng 10/2016, khi ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ bà Park đã để bà Choi nắm giữ nhiều quyền lực trong nội các mặc dù bà Choi không hề có chức danh gì. Bên cạnh đó, 2 người còn bị buộc tội âm mưu gây áp lực để các công ty đóng góp một số tiền lớn vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà Choi lập ra. Samsung cũng nằm trong số này và đã đóng góp gần 70 triệu USD.
Vào tháng 12 năm ngoái, bà Park chính thức bị đình chỉ quyền Tổng thống sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội. Sau 3 tháng thảo luận ngày 10/3 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đưa ra quyết định duy trì phán quyết này, đồng nghĩa với việc bà Park bị phế truất và buộc phải rời khỏi chức vị, mở đường cho một cuộc bầu cử tổng thống hiếm hoi vào tháng 5 tới.
Gánh nặng cho người kế nhiệm
Ông Moon Jae Ying, ứng viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới
Việc vị lãnh đạo đầu tiên được bầu dân chủ bị bãi nhiệm từ khi Hàn Quốc thiết lập chế độ dân chủ vào cuối những năm 1980 khiến nước này rơi vào tình trạng chính trị hỗn loạn và chia rẽ nghiêm trọng. Nhiều cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra giữa hai nhóm ủng hộ và chống đối tổng thống Hàn Quốc khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương.
Mặc dù Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, Tổng thống Hàn Quốc tạm quyền đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước và quốc tế rằng, các chính sách đối ngoại của Seoul sẽ không thay đổi nhưng người dân nước này vẫn không khỏi lo ngại về việc bà Park bị tước quyền sẽ khiến Hàn Quốc rơi vào trạng thái chính trị nguy hiểm, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể vì thế mà trầm trọng hơn và cục diện địa chính trị Đông Á bị chấn động.
Theo luật pháp Hàn Quốc, 60 ngày kể từ khi sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, Hàn Quốc sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử và ngày bầu cử sẽ được công bố chậm nhất trong ngày 17/3 tới. Rất có thể cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới sẽ diễn ra vào ngày 9/5. Ngay sau quyết định của Tòa án Hiến pháp, Ủy ban bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC) đã bắt đầu tiến hành nhận đơn đăng ký của các ứng cử viên, để đảm bảo cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra “minh bạch và công bằng”. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, dù người thắng cử là ai thì cũng phải đảm nhận nhiệm vụ khó khăn đó là đoàn kết đất nước đã chia rẽ sâu sắc sau bê bối lịch sử này, cũng như giải quyết các mối quan hệ ngày càng phức tạp tại khu vực.
Theo đánh giá của tạp chí Wall Street Journal, kết quả cuộc bầu cử sắp tới rất có thể dẫn tới chiến thắng cho chính trị gia đối lập Moon Jae Ying, người luôn có thái độ hoài nghi với mối quan hệ của Hàn Quốc và Mỹ. Ông luôn nghi vấn về nhu cầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và là người ủng hộ chính sách hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nếu Tòa án đưa ra quyết định ngược lại, bất ổn có thể sẽ còn lớn hơn nữa vì những người biểu tình phản đối bà Park đe dọa sẽ phát động một cuộc cách mạng lớn.