Cơ quan Công tố Paris khám xét trụ sở đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia"

Thế giới - Ngày đăng : 07:33, 21/02/2017

Cơ quan Công tố Paris đã tiến hành khám xét trụ sở đảng FN tại thành phố Nanterre, tỉnh Hauts-de-Seine, ngoại ô Paris. Đây là lần thứ hai, văn phòng của đảng này bị khám xét.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến những cáo buộc về sai phạm trong việc trả lương cho công tác trợ lý tại Nghị viện châu Âu (EP) của ứng cử viên tổng thống Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN), ngày 20/2, Cơ quan Công tố Paris đã tiến hành khám xét trụ sở đảng FN tại thành phố Nanterre, tỉnh Hauts-de-Seine, ngoại ô Paris. Đây là lần thứ hai, văn phòng của đảng này bị khám xét. 

Bà Marine Le Pen hiện đang bị cáo buộc tạo "việc làm giả" tại Nghị viện châu Âu, nơi bà là nghị sĩ. Nghị viện châu Âu đã yêu cầu bà trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà được cấp để trả lương hai trợ lý. Trên thực tế, bà đã sử dụng số tiền này để trả lương cho vệ sĩ riêng là Thierry Légier và cộng tác viên Catherine Griset, những người không làm việc cho Nghị viện châu Âu, mà là cho đảng "Mặt trận Quốc gia" của bà. 

Cơ quan Công tố Paris khám xét trụ sở đảng cực hữu

Ứng cử viên Marine Le Pen (giữa) phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử ở Lyon ngày 5/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Vào tháng 3/2015, chính bộ phận Dịch vụ tài chính của Nghị viện châu Âu là nơi đã lên tiếng thông báo cho Chủ tịch EP lúc bấy giờ là ông Martin Schulz về các nghi vấn trên. Ông Martin Schulz đã yêu cầu Cơ quan chống gian lận (OLAF) của Nghị viện châu Âu điều tra vụ việc, tập trung vào các hợp đồng của khoảng 20 trợ lý của các nghị sĩ thuộc đảng "Mặt trận Quốc gia", bởi vì tên của các "trợ lý" này cũng đồng thời xuất hiện trong bộ máy tổ chức của đảng FN. Khi chuyển hồ sơ cho cơ quan tư pháp của Pháp, Nghị viện châu Âu đã nhắc lại rằng số tiền dành để trả lương cho công việc trợ lý của các nghị sĩ châu Âu không được sử dụng để chi trả cho các hợp đồng với "các nhóm chính trị" tại Nghị viện hay "các đảng phái chính trị". 

Ngày 15/12 vừa qua, Cơ quan Công tố Paris đã mở cuộc điều tra tư pháp về vụ việc với tội danh "lạm dụng lòng tin", "lừa đảo có tổ chức", "giả mạo và sử dụng sai mục đích" và "làm việc không khai báo". Vào thời điểm diễn ra vụ khám xét, bà Marine Le Pen đang có chuyến thăm Lebanon. Bà đã được Tổng thống Liban Michel Aoun đón tiếp tại thủ đô Beirut ngày 20/2. Ngày 16/2 vừa qua, bà Marine Le Pen đã bác bỏ thông tin của báo chí Pháp cho rằng bà đã thừa nhận tạo việc làm giả cho hai trợ lý. 

Phản ứng sau cuộc khám xét, đảng "Mặt trận Quốc gia" trong một thông cáo, đã cho rằng đây là "chiến dịch truyền thông" nhằm làm "nhiễu loạn chiến dịch tranh cử đang vận hành trôi chảy" và "làm tổn hại uy tín" của ứng cử viên Marine Le Pen vào thời điểm mà tỷ lệ ủng hộ bà lên cao nhất, đang tạo ra đột phá quan trọng trong các cuộc thăm dò, đặc biệt là tại vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. 

Hiện tại, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Marine Le Pen đang cao kỷ lục. Theo một cuộc thăm dò do tổ chức Opinion Way tiến hành cho báo Les Echos và đài phát thanh Classic Radio, công bố ngày 20/2, nếu bà Marine Le Pen gặp ứng cử viên cánh hữu, cựu Thủ tướng François Fillon ở vòng hai thì bà sẽ nhận được 44% số phiếu, còn ông François Fillon nhận được 56%, giảm 6% so với kết quả cuộc thăm dò ngày 8/2. Nếu phải đối đầu với ứng cử viên trung dung, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron tại vòng hai, bà sẽ nhận được 42% số phiếu trong khi sự ủng hộ cho đối thủ của bà là 58%, giảm 8 % so với cuộc thăm dò trước đó. Cuộc thăm dò cũng cho thấy 84% số người được hỏi cho rằng chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay không có chất lượng cao do các ứng cử viên không tập trung vào làm rõ nội dung chương trình tranh cử và nhiều ứng cử viên bị tai tiếng vì các bê bối tài chính khiến cử tri mất lòng tin.

TG