Kịch bản nào cho NATO, quốc phòng châu Âu và các chính sách của Donald Trump?
Thế giới - Ngày đăng : 10:16, 05/02/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mở ra một giai đoạn mới bất ổn về địa chính trị và địa chiến lược. Trong bối cảnh đó, tờ “Le Soir” (Pháp) mới đây đã đăng bài viết của chuyên gia André Dumoulin, thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Bỉ, trong đó vạch ra 4 kịch bản cho chính sách quốc phòng châu Âu. Dưới đây là nội dung bài viết:
Chính quyền mới của ông Trump tác động thế nào đến vấn đề kiểm soát an ninh quốc phòng châu Âu? Đây là điều mà giới chính trị, ngoại giao và quân đội châu Âu đã nhiều lần đặt ra. Trong quá trình tranh cử và sau khi nhậm chức, ông Trump đã có những giọng điệu khá khác nhau. Các bài diễn văn tranh cử mang nhiều tính truyền thông của nhà tỷ phú này đặt ra một yêu cầu mạnh mẽ cho trách nhiệm của châu Âu trong lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, nhiều thay đổi đã diễn ra trong thời gian qua, dưới ảnh hưởng của Bộ trưởng Quốc phòng mới, Tướng James Mattis, người rất hiểu biết về NATO và có quan điểm ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển mối quan hệ này một cách vững bền.
Tháng trước, chính Tổng thống Trump đã nhấn mạnh về tầm quan trọng sống còn của NATO, trong khi cách đó ít lâu, ông đã có những phát biểu coi liên minh này là một cấu trúc lỗi thời trong cuộc chiến chống khủng bố và không có khả năng yêu cầu các nước thành viên châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng để san sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ.
Hạ nhiệt mối quan hệ với Nga
Kịch bản thứ nhất mà người ta tính đến là Mỹ cải thiện quan hệ với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin để phục vụ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và chính sách chia để trị sẽ lên ngôi. Sự lép vế của chủ nghĩa đa phương đang ngày càng hiện rõ. Nhiều bất ổn đang manh nha xuất hiện do chiến lược mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền có những quan niệm khá bất ngờ và sự phát triển của chiến tranh hỗn hợp. Câu hỏi đặt ra là Mỹ cần hành xử như thế nào trong mối quan hệ với Nga, EU và chính sách an ninh quốc phòng trong cách tiếp cận toàn cầu của Mỹ sẽ đi theo chiều hướng nào?
Phương Tây có thể giảm căng thẳng với Nga bằng các biện pháp tạo dựng niềm tin và an ninh, giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga do liên quan đến vấn đề Ukraine, và rất có thể tiến tới cùng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược. Theo kịch bản này, NATO sẽ phải thay đổi cách nhìn đối với Nga, thậm chí có thể dẫn đến một liên minh phương Tây lớn hơn bao gồm Mỹ-EU-Nga, một cuộc cách mạng không tưởng về tư duy.
Chủ nghĩa can thiệp theo ý muốn
Kịch bản thứ hai cho thấy tầm quan trọng của NATO được Washington củng cố với áp lực mạnh mẽ của Mỹ trong vấn đề chia sẻ các nguy cơ và chi phí. 70% chi phí quân sự của các nước trong khối NATO hiện do siêu cường quân sự thế giới là Mỹ chi trả.
Trong giả thiết này, các thành viên tái cam kết vai trò của mình, Mỹ rút lực lượng khỏi châu Âu, giải trừ vũ khí hạt nhân để nhường chỗ cho vũ khí thông thường, cải cách cơ cấu tổ chức của NATO và giải thích lại Điều 5 về phòng vệ tập thể. Mỹ có thể thực hiện nhiệm vụ phòng vệ cho “lục địa già” thông qua sự ủy quyền. Điều này buộc châu Âu phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp tự tăng cường năng lực và ngân sách quốc phòng một cách đáng kể.
Trụ cột châu Âu trong vấn đề quốc phòng
Kịch bản thứ ba có thể diễn ra là sự hiện diện của một khái niệm về trụ cột châu Âu trong NATO, ảnh hưởng của châu Âu sẽ gia tăng, và kết quả là tạo ra một nhóm châu Âu trong lòng NATO, hoặc thậm chí là một liên minh quốc phòng châu Âu.
Tuy nhiên, điều này cần có một cơ cấu quốc phòng châu Âu với các phương tiện của châu Âu, sự đầu tư của châu Âu và khả năng quyết định của chính người châu Âu. Nòng cốt của liên minh này có thể là hai đầu tàu Pháp-Đức. Tình hình hậu bầu cử tại các quốc gia như Italy, Pháp, Đức vào năm 2017 sẽ quyết định tính khả thi của kịch bản này.
Những bất ổn về an ninh
Trong kịch bản thứ tư, người Mỹ đánh giá thấp vị thế của người Nga. Quan điểm của Nga hiện nay là hợp pháp hóa chủ nghĩa can thiệp (thể hiện qua việc Moskva sáp nhập Crimea và can thiệp vào Ukraine), xây dựng một điểm chốt ở Syria, tăng cường các cuộc tấn công an ninh mạng, tìm cách làm giảm ảnh hưởng của phương Tây tại Đông Âu và các nước thuộc Liên bang Xôviết cũ, và ngăn chặn sự mở rộng của NATO về phía Đông.
“Ranh giới đỏ” được nhắc đến trong Điều 5 về quốc phòng tập thể của NATO có thể sẽ được nhắc đến song khá mong manh bởi các toan tính thử nghiệm tấn công của Nga nhằm vào các nước Baltic, trong khi Washington không cam kết với châu Âu về việc đảm bảo hoàn toàn an ninh cho các đồng minh. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể diễn ra theo một chiều hướng khác. NATO có thể tìm thấy lại lý do chính cho sự tồn tại của mình như là một trụ cột trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và chính sách an ninh quốc phòng EU, đồng thời tập trung vào các sứ mệnh quản lý khủng hoảng hậu xung đột tại các khu vực lân cận.
Kịch bản này sẽ đi cùng với nhiều rủi ro lớn và diễn ra một cách rất phức tạp.
Tương lai của châu Âu phải được xây dựng dựa trên những sự thật này, châu Âu phải suy nghĩ về yếu tố an ninh trong không gian đang chuyển động này và khẩn trương đưa ra các chính sách có trách nhiệm cho chính mình.