TT Donald Trump bị ông Donald Tusk xem là "mối đe dọa hàng đầu" với EU

Thế giới - Ngày đăng : 19:51, 01/02/2017

Chủ tịch EC Donald Tusk đã xem Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với châu Âu, cùng với Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

TT Donald Trump bị ông Donald Tusk xem là

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: EPA

Trong bức thư gửi lãnh đạo các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã xem Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với châu Âu, cùng với Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Bài viết đăng tải trên nhật báo The Atlantic Daily cho biết, lá thư được ông Tusk gửi trước thềm hội nghị cấp cao tổ chức vào 3/2 tại Malta. Tại cuộc họp này, giới lãnh đạo EU sẽ cùng thảo luận và đưa ra những nhận định về tương lai toàn khối, khi nước Anh Anh - nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu, đồng thời là trung tâm tài chính sôi động của thế giới - lựa chọn Brexit.

Theo nội dung bức thư, đánh giá về thách thức lớn nhất mà liên minh phải đối mặt trong lịch sử 60 năm qua, ông Tusk cho rằng, Trung Quốc, Nga và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là những nguy cơ chính đến từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Chủ tịch EC cũng tỏ ra quan ngại với những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến cho tương lai của khối “trở nên khó đoán định”.

Trong bức thư, Chủ tịch EC Donald Tusk bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một “Donald khác” (ngầm nói về Tổng thống Mỹ Donald Trump) khi “Donald này” đặt ra các câu hỏi đầy hoài nghi cái gọi là giá trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoan nghênh Vương quốc Anh rời khỏi EU, khuyến khích các quốc gia khác có thể rời khỏi liên minh (EU) để lấy lại “bản sắc riêng của mình”…

Ông Tusk cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã mang đến cho EU cơ hội và giờ đây, EU cần phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được các thỏa thuận thương mại tự do..

Giới phân tích cho rằng, việc ông Donald Tusk gửi bức thư trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu từ Đức tới Iceland cho đến Vương quốc Anh đã lên tiếng phản đối chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ; còn trước đó một ngày, nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) về vấn đề Brexit cũng đưa ra quan điểm tương tự Chủ tịch EC có thể được xem như là một trong những cách “đáp trả” mạnh mẽ nhất nhằm vào tân Tổng thống Mỹ.

Các quốc gia hàng đầu châu Âu muốn có một sự đáp trả đối với những thay đổi trong chính sách của ông Trump, đặc biệt là sắc lệnh yêu cầu ngừng tiếp nhận người tị nạn đến Mỹ trong vòng 4 tháng và cấm nhập cảnh tạm thời đối với người dân 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.

 

Bạch Dương