Xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Các bị cáo nói lời sau cùng
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 11:57, 03/02/2018
Về nội dung yếu tố chủ thể của vụ án mà nhiều luật sư đề nghị VKS đối đáp, phía VKS khẳng định lại một lần nữa là PVP Land là doanh nghiệp có 28% vốn điều lệ là vốn góp của Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) số vốn là 140 tỷ đồng. PVC cử Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) đại diện quản lý phần vốn của PVC tại PVP Land, trong đó có tài sản Nhà nước. Do vậy, hoàn toàn thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội Tham ô tài sản.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, Thanh ký quyết định cử Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh là người đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land. Do vậy, Trịnh Xuân Thanh là người gián tiếp quản lý tài sản của PVC tại PVP Land thông qua người đại diện.
Kiểm sát viên Phạm Đức Long cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quá trình điều tra trước đây bị cáo khai báo gian dối. Sau khi bị cáo Thái Kiều Hương đòi lại khoản tiền 14 tỷ đồng, theo lời khai của Đinh Mạnh Thắng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo Thắng nói với bị cáo Hương giữ bí mật về việc đã chuyển tiền cho Thanh và Thắng. Coi như dòng tiền mới chỉ đến Hương, chứ chưa đến Thanh và Thắng, nên hợp pháp hóa bằng khoản mua bán cổ phần.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, nếu luật sư nói rằng Thanh không vi phạm thì tại sao Thanh phải dặn Hương nói dối về dòng tiền. Đây là lần thứ 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh ra Tòa về tội Tham ô tài sản. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từng giữ những chức vụ cao, hiểu biết về luật pháp, song vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, đề nghị HĐXX phải có hình phạt thích đáng đối với bị cáo Thanh để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXVN
Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh cho rằng Hội đồng xét xử cần tách, làm rõ trong số tiền thiệt hại có bao nhiêu là của Nhà nước, bao nhiêu là của cổ đông khác. Về số tiền tham ô 14 tỷ đồng đang cáo buộc cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng không có cơ sở chứng minh số tiền được giữ nguyên vẹn trong quá trình chuyển từ Thái Kiều Hương đến Đinh Mạnh Thắng rồi đến Trịnh Xuân Thanh. Theo lời khai của các lái xe thì số tiền đã được chuyển từ bao tải sang thùng Lavie, vậy ai là người tác động đến số tiền và việc tác động như thế thì liệu số tiền có còn nguyên vẹn?
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng tiếp tục đề nghị VKS làm rõ về đường đi của số tiền 14 tỷ đồng. Luật sư đặt câu hỏi liệu Thái Kiều Hương và Đinh Mạnh Thắng có chuyển đủ số tiền 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh hay không? Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đề nghị VKS cụ thể hóa hành vi đồng phạm của Đinh Mạnh Thắng trong quá trình chuyển nhượng cổ phần. Ngay trong cáo trạng cũng đã thể hiện Thắng chỉ gọi điện cho Đào Duy Phong, sau đó Hương đưa Duy đến gặp Phong. Theo luật sư, Thắng không có mặt thì làm sao biết được việc thỏa thuận giá chuyển nhượng?
Về nội dung này, đại diện VKS nêu quan điểm: Hành vi của bị cáo Đinh Mạnh Thắng tác động đến bị cáo Thanh và bị cáo Phong để PVP Land được chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với mục đích được hưởng lợi.
Kiểm sát viên Nghiêm Ngọc Hương cho rằng, khi bị cáo Thắng được nhận số tiền 5 tỷ đồng và nhận chuyển giúp 14 tỷ đồng cho bị cáo Thanh từ bị cáo Hương, đó là kết quả của sự tác động một chuỗi hành vi nối tiếp từ bị cáo Hương, bị cáo Thắng, bị cáo Thanh và bị cáo Phong. Hành vi khách quan nêu trên của các bị cáo thể hiện ý thức chủ quan nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đó là hành vi tham ô, trong đó Thắng với vai trò là người giúp sức.
Cũng tại phiên tòa sáng nay, khi được HĐXX cho nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án, bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land nói: “Bị cáo giữ nguyên quan điểm trình bày, bị có hoàn toàn không biết việc chỉ đạo, lời khai của bị cáo trong phiên tòa này là hoàn toàn chính xác giúp cơ quan điều tra nhanh chóng xác nhận được sự thật vụ án. Bị cáo ăn năn hối cải, đã tác động gia đình bồi thường, khắc phục ngay, khắc phục vượt, xin HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo ăn năn hối cải”.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại phiên tòa xét xử - ảnh TTXVN
Khi bước lên bục nói lời sau cùng, Trịnh Xuân Thanh nói: "Trong thời gian ở trại B14, có những ngày đã không ngủ được vì nhớ vợ con, bạn bè, nhưng sau đó được quản giáo, giám thị động viên. Cũng trong thời gian này, bị cáo nhận được thông tin từ gia đình và bạn bè vẫn luôn ủng hộ và tin tưởng bị cáo. Bị cáo vẫn tin tưởng vào cuộc sống, xã hội và HĐXX”.
Bên cạnh đó bị cáo Thanh kính mong HĐXX xem xét kỹ cho bị cáo về tội danh cũng như mức hình phạt, tránh cho bị cáo mức án quá nặng và oan sai.
Tiếp đến, bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà nói: “Bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã thành khẩn khai báo những tình tiết liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, với việc tham gia vào vụ án, bị cáo không có chủ ý mà chỉ vô tình, cũng như không biết việc mua bán cổ phần”.
Theo đó, Bị cáo Đinh Mạnh Thắng mong Tòa xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ và xem xét lại cả tội danh để đưa ra một phán quyết công tâm, thấu tình đạt lý, cho bị cáo hưởng mức án thấp để sớm có cơ hội về với gia đình và xã hội.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh nói: “Bị cáo gửi lời xin lỗi tới các cổ đông và các nhân viên trong công ty bởi hành vi gây thiệt hại của bị cáo. Bị cáo xin lỗi tới người thân, để xảy ra vụ án này làm ảnh hưởng tới người thân trong gia đình, bị cáo chưa làm tròn trách nhiệm. Bị cáo xin lỗi cơ quan cảnh sát điều tra, bị cáo nhận tại cơ quan điều tra đã khai báo thành khẩn nhưng chưa hết. Bị cáo rất mong khi phán xét, HĐXX xem xét đánh giá cho bị cáo”.
Với các bị cáo còn lại đều mong HĐXX xem xét để đưa ra được môt bản án công tâm, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật
HĐXX TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án vào 9h sáng ngày 5/2.