“Quyền tư pháp” là quyền năng hiến định của Tòa án
Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 03/10/2014
Điều này thể hiện sự dân chủ hơn nhằm xây dựng “Nhà nước pháp quyền” và “thượng tôn pháp luật”.
Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thể hiện sự phân công quyền lực Nhà nước mạch lạc, đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp; Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, trong Hiến pháp quy định rõ “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”.
Để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến định thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, có như vậy thì việc giải quyết, xử lý các vụ án mới bảo đảm đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm. “Quyền tư pháp” là những quyền sinh ra từ hoạt động xét xử và chỉ có Tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người theo pháp luật và Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý; do đó, các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, VKSND là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Chính vì vậy, Tòa án phải xem xét các hoạt động tố tụng từ khi bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra, truy tố. Nếu phát hiện các hoạt động tố tụng trước đó không đúng thì Tòa án yêu cầu làm lại hoặc tự mình thực hiện các hoạt động điều tra để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.
TANDTC tổ chức hội thảo về quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Hơn nữa, trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa án xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử, mà còn bao gồm các quyền năng khác được giao cho Tòa án thực hiện, nên Tòa án phải có quyền đánh giá, kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng; xem xét, áp dụng hoặc thay đổi các biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước; quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, đây có thể được coi là cơ chế để Tòa án tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp. Do đó, để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, Toà án phải kiểm soát, kiểm tra toàn bộ quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm tính đúng đắn của toàn bộ quá trình tố tụng và tuyên bản án bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thi hành án.
Việc xác định rõ trách nhiệm của Tòa án trong các khâu tố tụng cũng là nhằm thể chế hóa nội dung mà Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị là “Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện các hoạt động tư pháp”. Về vai trò của Tòa án trong việc kiểm soát các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lực Nhà nước, đối với cơ quan hành pháp, ngoài việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính thì trong quá trình xét xử các vụ án, nếu phát hiện các văn bản hành chính trái pháp luật, Tòa án có thẩm quyền tuyên bố về tính không hợp pháp của văn bản hành chính đó. Đối với cơ quan lập pháp, thông qua hoạt động xét xử, nếu phát hiện các quy định của pháp luật trái Hiếp pháp, Tòa án có quyền tuyên bố về tính vi hiến của quy định đó và không áp dụng hoặc là kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý theo thẩm quyền. Đây là những nội dung rất quan trọng cần được nhận thức thống nhất và thể chế hóa trong quá trình xây dựng các luật tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt là luật tổ chức các cơ quan tư pháp và các luật tố tụng tư pháp.
Hiện nay, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2014. Qua các phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu đánh giá trong đó đã thể hiện rất nhiều nội dung theo tinh thần cải cách tư pháp như: Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, với mô hình Tòa án 4 cấp; thẩm quyền của TANDTC trong phát triển án lệ; đổi mới tổ chức, hoạt động của TANDTC; đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán... Ngoài ra, một số nội dung cải cách tư pháp liên quan tới các nguyên tắc hoạt động của Tòa án cũng đã và đang được nghiên cứu để thể hóa trong quá trình xây dựng các luật tố tụng tư pháp, như: Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới chế định giám đốc thẩm; khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện các hoạt động tư pháp...
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, hiện tại, VKSNDTC cũng có nhiệm vụ điều tra đối với các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan nào có quyền kiểm soát đối với hoạt động điều tra của VKSNDTC. Đây là nội dung cần nghiên cứu để thể chế hóa trong Luật Tổ chức VKSND, BLTTHS (sửa đổi) cho phù hợp với Hiến pháp đã quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.