Bãi bỏ quyền phủ quyết nhằm chống Nga: Cú đấm vào... thinh không
Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 07/10/2016
Một bức tranh biếm họa phương Tây mô tả việc 5 Ủy viên thường trực HĐBA LHQ sử dụng quyền phủ quyết.
Cao ủy Liên hiệp quốc (LHQ) về nhân quyền vừa đề xuất sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết của thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA), và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của phương Tây. Tất nhiên không phải thông tin quá bất ngờ, bởi đây cũng không phải lần đầu tiên một đề nghị như thế này được đưa ra.
Cần phải khẳng định một điều, quyền phủ quyết (veto) của các thành viên thường trực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thông qua bất kỳ một nghị quyết nào của HĐBA LHQ. Một nghị quyết muốn được thông qua cần có được 9 phiếu thuận từ tổng cộng 15 nước thành viên HĐBA (bao gồm 5 thành viên thường trực - Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc, và 10 thành viên không thường trực). Bên cạnh đó, 9 phiếu thuận này phải bao gồm cả số phiếu tán thành của 5 thành viên thường trực. Và theo quy định, nếu 1 trong 5 Ủy viên thường trực veto thì coi như việc thực hiện nghị quyết sẽ chỉ là… giấc mơ xa vời.
Trong khi thuật ngữ “phủ quyết” chưa bao giờ được dùng trong Hiến chương LHQ, thì nó lại được giới truyền thông và các chính trị gia đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những vụ việc có tác động lớn đến nền an ninh, chính trị toàn cầu… Bởi như đã nói ở trên, về mặt lý thuyết, mỗi lá phiếu của các thành viên là bình đẳng; song thực chất quyền veto lại gần như thừa nhận một thực tế rằng, 5 Ủy viên thường trực HĐBA LHQ có vai trò quyết định trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới.
Nói cách khác, veto có thể được xem là quyền lực tối thượng mà các thành viên thường trực có thể lợi dụng để bác bỏ ý kiến của nhau, hoặc để bảo vệ quyền lợi quốc gia hoặc đồng minh trước một nghị quyết (trừng phạt/chống lại chính mình hoặc đồng minh) mà HĐBA đưa ra. Theo một thống kê chính thức, tính từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945 cho đến hết thế kỷ XX, Liên Xô (cũ) và Nga đã sử dụng 120 lần quyền phủ quyết trong HĐBA; trong khi đó Mỹ dùng 76 lần, Anh 32 lần, Pháp 18 lần, và Trung Quốc sử dụng 5 lần.
Gần đây, khi căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây leo thang nghiêm trọng do những cáo buộc lẫn nhau về trách nhiệm đối với cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, hay vấn đề giải quyết cuộc nội chiến ở Syria… thì veto gần như trở thành “niềm yêu thích” của Nga và Mỹ trong những chương trình nghị sự quan trọng tại HĐBA.
Muốn bãi bỏ quyền phủ quyết thì cần phải thay đổi Hiến chương LHQ. Và tất nhiên, liệu Ủy viên thường trực nào sẵn sàng từ bỏ quyền veto của mình?
Xin được quay lại câu chuyện vừa xảy ra hôm 4/10 vừa qua, Cao ủy LHQ về nhân quyền (UNHCHR) Zeid Ra'ad al-Hussein đã đề xuất hạn chế quyền phủ quyết của các thành viên thường trực HĐBA. Theo một số nhà phân tích, có vẻ như sáng kiến hạn chế quyền phủ quyết lần này là một “đòn hiểm” nhằm giáng mạnh vào chính quyền Moscow và Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tình hình quốc tế hiện nay có nhiều điểm khá bất lợi đối với Điện Kremlin.
Bởi dường như khá trùng hợp, đề nghị bãi bỏ quyền veto được đưa ra trong bối cảnh nước Nga vừa chính thức trở thành Chủ tịch (luân phiên) của HĐBA LHQ trong tháng 10/2016; còn Đội điều tra quốc tế (JIT) do Hà Lan dẫn đầu vừa công bố kết luận mới về vụ tai nạn hàng không MH17 cách đây hơn hai năm, trong đó cáo buộc hệ thống tên lửa phòng không BUK do Nga sản xuất đã được “lén đưa” từ Nga vào Ukraine, rằng chính phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine do Nga hậu thuẫn là thủ phạm bắn rơi MH17… Đến lúc này, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi, một khi liên tục bị dồn ép đến “sát chân tường”, Tổng thống Putin sẽ làm gì để giải vây?
Thực tế thì tại phiên họp hồi tháng 9 năm ngoái, Pháp từng có một đề nghị tương tự. Và khi đó, đại diện thường trực của Liên bang Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã tuyên bố rằng, muốn bãi bỏ quyền phủ quyết thì cần phải thay đổi Hiến chương LHQ (?). Và hiển nhiên, sẽ chẳng có ai trong số các thành viên thường trực phê chuẩn một sửa đổi như vậy trong Hiến chương LHQ.
Nói một cách dễ hiểu, nếu buộc lựa chọn “Yes” (Có) hoặc “No” (Không) cho yêu cầu sửa đổi Hiến chương, thì chắc chắn sẽ là 5 lá phiếu “Veto” (phủ quyết). Và, một khi nước Nga - với vai trò Chủ tịch luân phiên của HĐBA và có quyền veto trong tay - thì có lẽ cũng nên đặt câu hỏi ngược lại: Băn khoăn chuyện Tổng thống Putin sẽ giải vây như thế nào, có thực sự cần thiết?