Tàu Đô đốc Latouche-Tréville: Số phận lịch sử tạo nên huyền thoại một con tàu
Thế giới - Ngày đăng : 17:04, 01/09/2016
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville. Ảnh tư liệu
Cảng Nhà Rồng trưa 5/6/1911. Con tàu Đô đốc Latouche Tréville (Admiral Latouche Tréville) nhổ neo bắt đầu hành trình về đất Pháp. Theo nhiều tài liệu lịch sử, cũng từ chính con tàu huyền thoại này, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Văn Ba hay Anh Ba) đã ra đi tìm đường cứu nước.
Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, khi kể về cuộc hành trình nghìn dặm xuyên qua nhiều lục địa trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville của Chủ tịch Chí Minh có đoạn: “Rời Sài Gòn, chiếc tàu lần lượt đến Singapore, băng qua Eo biển Malacca, rồi Ấn Độ, Ceylon, Djibouti (Sừng châu Phi), vào Biển Đỏ, Port Said, lại ra Biển Đỏ, vào Địa Trung Hải và cập cảng Marseille (Pháp) ngày 6/7/1911. Sau thời gian ngắn lưu lại Marseille, tàu nhổ neo đi tiếp đến Le Havre vào ngày 15/7/1911 đến Dunkerque để sửa chữa tu bổ trong hơn 40 ngày…
Thế nhưng, có lẽ sẽ khá nhiều người bất ngờ khi biết rằng, ngoài chiếc tàu Đô đốc Latouche Tréville kể trên còn có tới… 3 chiếc khác cùng đặt theo tên viên Đô đốc Hải quân Pháp Louis-René Levassor de Latouche-Tréville (1745-1804). Cụ thể, qua nhiều nguồn sử liệu, học giả - nhà nghiên cứu An Chi chỉ ra, trong số 4 con tàu mang tên Latouche-Tréville chỉ có duy nhất một chiếc có kèm cả quân hàm “đô đốc” (admiral).
Trong bài viết đăng tải trên Petro Times, học giả - nhà nghiên cứu An Chi cho biết, chiếc thứ nhất ( không kèm admiral) là tàu hộ tống (aviso) Latouche-Tréville bằng gỗ có chân vịt (1860-1886) chạy bằng động cơ hơi nước 150 mã lực, có kích thước: 53 x 8,32 x 3,76m. Tàu này được trang bị 2 lựu pháo cỡ 30; biên chế: 65 người (năm 1860), sau đó lên 68 người (từ 1879).
Chiếc thứ hai (không kèm admiral) là tuần dương hạm bọc sắt (croiseur cuirassé) Latouche-Tréville (1892-1926). Tàu do Công ty rèn và Xưởng tàu Méditerranée đóng ở Le Havre, hạ thủy ngày 8/10/1892. Và cuối cùng, chiếc thứ ba (không kèm admiral) là tàu hộ tống chống tàu ngầm (frégate anti-sous-marine) Latouche-Tréville hiện đại.
Chiếc tàu hộ tống chống ngầm Latouche-Tréville có thể chở thủy thủ đoàn gồm 20 sĩ quan, 120 hạ sĩ quan hải quân và 95 quân nhân phục vụ các ngành. Với thiết kế nhằm mục đích chống ngầm, tàu được trang bị vũ khí phòng không (gồm 1 hệ thống Crotale EDIR với 8 tên lửa trên giàn và 18 dự bị, 2 hệ thống Simbad - 2x2 tên lửa Mistral, 1 pháo 100mm CADAM, 2 giá súng cho đạn 20mm, 4 giá cho tiểu liên 12,7mm), vũ khí chiến đấu mặt đất (8 tên lửa Exocet MM40), cùng vũ khí chống tàu ngầm (gồm 10 ngư lôi L5 Mod4, 2 máy phóng ngư lôi L5, 12 ngư lôi MK46…).
Thông số kỹ thuật Kích thước: chiều dài 118,7m, ngang 15,2m, sâu khoảng 8m Trọng tải 5.572 tấn, tải trọng tối đa 7.200 tấn Vận tốc tối đa: 13 hải lý/giờ Động cơ: vận hành bằng hơi nước 2.800 mã lực Sức chứa tối đa có thể đạt đến 1.100 người (kể cả thủy thủ đoàn).
|
Còn con tàu Đô đốc Latouche-Tréville mà chúng ta thường nhắc tới gắn liền với hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thương thuyền của Công ty Vận tải đường biển Chargeurs Réunis (Pháp), còn gọi là Hãng tàu Năm Sao (do có biểu trưng là hình 5 ngôi sao trên cột ống khói).
Con tàu được đặt theo tên của Đô đốc Hải quân Pháp René Latouche-Tréville do hãng đóng tàu Loire ở Saint-Nazaire (Pháp) đóng xong vào ngày 21/9/1903, hạ thủy ngày 2/5/1904 tại Nantes. Tàu được đăng bạ tại Cảng Le Havre dưới số hiệu 5601960. Ngoài Amiral Latouche-Tréville, hãng Chargeurs Réunis còn có 5 chiếc khác (kèm quân hàm Admiral) bao gồm: Amiral Latouche-Tréville, Amiral de Kersaint, Amiral Nielly, Amiral Orly, Amiral Ponty và Amiral Magon.
Từ 1904-1929, hãng Chargeurs Réunis đưa tàu Đô đốc Latouche-Tréville vào khai thác. Thời kỳ Chiến tranh thế giới I, chiếc tàu này từng được sử dụng để đưa Lữ đoàn viễn chinh Nga từ Mãn Châu Lý (thuộc khu tự trị Nội Mông, tên gọi Mãn Châu Lý bắt nguồn từ tên tiếng Nga của từ Mãn Châu là Manchzhuriya) sang Marseille để tham chiến cùng đồng minh Pháp. Sau khi bị hư hỏng nhẹ do va chạm với tàu hơi nước Anna Skogland của Nauy tại Havre vào ngày 27/2/1925, tàu phục vụ thêm gần 4 năm thì chính thức được nghỉ hưu và tháo dỡ tại Dunkerque vào ngày 11/3/1929.
Một số nhà nghiên cứu đã gọi sự gắn bó đầy bất ngờ giữa tàu Đô đốc Latouche-Tréville với Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình vượt trùng dương tìm đường cứu nước là “số phận lịch sử”. Chính bởi số phận nên mặc dù chỉ có 25 năm hoạt động, nhưng con tàu mang tên Đô đốc Hải quân Pháp đã trở nên bất tử cùng với sự bất tử của Người - một con người huyền thoại, một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.