Câu chuyện đáng ngờ phía sau bức ảnh lay động lòng người - "em bé Syria thứ 2"

Thế giới - Ngày đăng : 17:10, 22/08/2016

Bức ảnh cậu bé Omran ngồi trên ghế của chiếc xe cứu thương với khuôn mặt thất thần, đầy máu và bụi khiến người xem không khỏi xót xa. Nhưng ít ai biết tác giả bức ảnh này, lại có liên hệ với nhóm quân nổi dậy đã từng chặt đầu trẻ em.

Ngày 18/8 vừa qua, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện bức ảnh cậu bé Orman (5 tuổi), mặt dính đầy máu và bụi đang ngồi thất thần trên ghế của chiếc xe cứu thương. Hình ảnh của em đã khiến thế giới sững sờ về mức độ tàn khốc của chiến tranh ở Syria.

Và tác giả của bức ảnh đó chính là Mahmoud Raslan - một phóng viên chiến trường tại vùng chiến sự Syria. Sau khi bức ảnh của Mahmoud Raslan được chia sẻ rộng rãi, thì cũng là lúc anh được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, sau khi Mahmoud Raslan trở nên nổi tiếng với bức ảnh “em bé Syria”, thì trang mạng xã hội LiveLeak đã công bố hình ảnh cho thấy, Raslan đã từng chụp ảnh chung cùng nhóm nổi dậy Nour al-Din al-Zenki. Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan Salafi liên minh với nhóm Mặt trận Chinh phục vùng Cận Đông.

Được biết, nhóm Nour al-Din al-Zenki nổi tiếng tàn bạo khi chặt đầu một đứa trẻ 12 tuổi người Palestine hồi cuối tháng 7/2016, với cáo buộc bé trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cũng từ đây, trang The Canary cũng tiết lộ rằng, trên trang Twitter của Raslan thường cho đăng tải lời tuyên bố tán dương bọn đánh bom tự sát. Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 2/8, Raslan ghi: “Với các chiến binh cảm tử, từ vùng đất của các trận chiến và tàn sát, từ Aleppo với những người tử vì đạo, chúng tôi sẽ loan tin về niềm vui sắp tới”.

Câu chuyện đáng ngờ phía sau bức ảnh lay động lòng người -

Có thể bức ảnh "em bé Syria thứ 2" này chỉ là một sự dàn dựng

Tất cả những thông tin trên làm dấy lên nghi ngờ rằng, bức ảnh "em bé Syria thứ 2" chỉ là một sự dàn dựng để lệnh ngừng bắn nhân đạo được đưa ra, qua đó các nhóm quân nổi dậy sẽ có thời gian nghỉ ngơi và nhận tiếp tế.

Đứng trước tâm bão của dư luận, Mahmoud Raslan phủ nhận tất cả. Theo lời kể của Raslan, khoảng 7 giờ tối ngày 17/8 (giờ địa phương), khi anh đang ở cách khu vực bị không kích 300m thì nghe một tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, Raslan đã cùng 3 nhà báo khác chạy đến hiện trường.

Cảnh tượng đầu tiên Raslan nhìn thấy là 3 người nằm trên mặt đất được đưa lên xe cứu thương. Họ là hàng xóm của bé Omran Daqneesh. Còn tại căn nhà kế bên, lực lượng cứu hộ đang cố tìm kiếm nạn nhân. Người đầu tiên họ cứu được chính là bé Omran. Sau đó Ralsan đã đi theo Omran khi cậu bé được đưa lên xe cứu thương.

Raslan chia sẻ thêm, khi chụp bé Omran thì anh không cầm được nước mắt. Và sau khi biết bức ảnh mình chụp được chia sẻ và bàn luận rộng rãi, anh đã hy vọng mọi bức ảnh của trẻ em trong chiến sự Syria sẽ được lan truyền để mọi người biết đến tình hình tại đây.

Sau những chia sẻ của Raslan, thì Trang TeleSur đã đưa ra một thông cáo đến mọi người rằng, thông tin tuyên truyền về chiến sự tại Syria có thể đến từ nhiều phía và đòi hỏi người tiếp cận phải chọn lọc thông tin.

Đặc biệt, vào ngày 19/8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã ra thông báo chính thức bác bỏ cáo buộc cho rằng chính không quân nước này đã tiến hành không kích vào khu vực dân cư nơi bé Omran sinh sống.

Ông Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định: “Các máy bay của không quân Nga không bao giờ tấn công vào các khu vực dân cư. Chính phương tiện truyền thông phương Tây cũng từng đưa tin rằng al-Qaterji nằm giáp với hai hành lang nhân đạo do chính Nga mở ra để người dân sơ tán”.

Cũng theo ông Konashenkov, có thể truyền thông phương Tây đang cố tình lợi dụng bức ảnh và câu chuyện của bé Omran để tuyên truyền phá hoại hình ảnh của Nga.

Hà Kim