Brexit: 3 triệu người đòi trưng cầu lại, hôn nhân Anh - EU được cứu vãn?

Thế giới - Ngày đăng : 21:20, 26/06/2016

Ba triệu chữ ký kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý Brexit mới liệu có cứu vãn nổi cuộc hôn nhân đầy trắc trở giữa Anh và EU? Các thành viên EU sẽ phải làm sao để vẹn cả đôi đường trong quan hệ chung với EU và nước Anh


Brexit: 3 triệu người đòi trưng cầu lại, hôn nhân Anh - EU được cứu vãn?

 2.833.723 người Anh ủng hộ tiến hành bỏ phiếu lại

Gần 3 triệu người Anh ủng hộ trưng cầu lại

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 cho thấy, có 51,98% cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời EU. Thế nhưng, chưa kịp vui mừng với thắng lợi của cuộc trưng cầu, nhiều người Anh lựa chọn Out (Ra đi) bỗng hoang mang đặt câu hỏi: “Mình đã làm cái quái quỷ gì vậy?”.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Anh ra khỏi EU?… Tương lai của đồng bảng Anh tràn ngập một màu xám khi đã bị rớt giá thảm hại ngay khi cuộc trưng cầu dân ý mới kết thúc được khoảng 8 giờ đồng hồ.

Ngày 25/6, bảng xếp hạng tỉ  phú của Bloomberg - Bloomberg Billionaires Index - đã đưa ra những con số giật mình. Thiệt hại lớn nhất rơi vào trường hợp tỉ phú giàu nhất châu Âu, ông Amancio Ortega mất hơn 6 tỉ USD sau cơn địa chấn Brexit. Ngoài ra, 9 tỉ phú khác mất hơn 1 tỉ USD, trong đó Bill Gates, Jeff Bezos và người giàu nhất Vương quốc Anh Gerald Cavendish Grosvenor…

Một bản kiến nghị tổ chức một cuộc trưng cầu mới nhanh chóng được đăng tải trên website của Quốc hội Anh. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có 2.833.723 người ủng hộ tiến hành bỏ phiếu lại.

Thế nhưng, trong khi nhiều cử tri Anh hi vọng có một phép màu nào đó để kết có thể lật ngược thế cờ, thậm chí “xí xóa” kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, thì mới đây, một số thành viên EU đã nóng lòng hối thúc tiến hành sớm đàm phán về các điều khoản để nước Anh ra đi.

Đợi chờ là vô nghĩa!?

Theo người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, sự chia rẽ giữa EU với nước Anh dù không phải là một cuộc ly hôn thân thiện, song cũng không hẳn là một “mối quan hệ sâu nặng”. Ông cho rằng một cuộc thương lượng về sự ra đi cần được tổ chức ngay lập tức.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD của Đức, ông Juncker nói, những gì mà người dân Anh thể hiện hôm 23/6 đã cho thấy quyết định của họ, vì thế “thật vô nghĩa” khi mà phải chờ đến tận tháng 10 để đàm phán các điều khoản ra đi.

Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn cấp được tổ chức hôm 25/6 giữa Ngoại trưởng 6 quốc gia thành viên sáng lập (Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan) ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã hối thúc việc thương lượng phải bắt đầu “càng sớm càng tốt”.

Brexit: 3 triệu người đòi trưng cầu lại, hôn nhân Anh - EU được cứu vãn?

Brexit - Đợi chờ giờ chỉ là vô nghĩa!?

Theo ông, cần tiến hành khẩn trương để “có thể tập trung vào tương lai của châu Âu thay vì ở trong tình trạng lấp lửng”. Còn người đồng cấp Hà Lan Bert Koenders khẳng định không chấp nhận một khoảng trống quyền lực ở châu Âu.

Ngày 24/6, khi kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý Brexit ngày 23/6 chính thức được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron hoàn toàn thất vọng. Hơn một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu có nguyện vọng trái ngược với mong muốn nước Anh ở lại EU của ông.  

Tòa nhà số 10 Downing Street (dinh Thủ tướng Anh), rất đông phóng viên đang chờ ông. Bên cạnh vợ là bà Samatha, Thủ tướng Cameron đã tuyên bố từ chức. Ông cho biết, ông đã nói với Nữ hoàng về quyết định của mình, và rằng, nước Anh sẽ có một lãnh đạo mới khi đảng Bảo thủ nhóm họp vào tháng 10 tới.

Vậy là, sau rất nhiều nỗ lực nhằm thuyết phục cử tri Anh tin vào sự lựa chọn ở lại EU của mình, Thủ tướng Anh buộc phải chấp nhận sự thật: ông không thể và cảm thấy không còn phù hợp với cương vị thuyền trưởng lái con tàu nước Anh đi đến tương lai. Những thủy thủ trên tàu đã lựa chọn một hướng đi mới, và do đó, họ cần một người thuyền trưởng mới.  

Cân bằng quan hệ với “người thứ ba” Vương quốc Anh - bài toán khó

Về mặt lý thuyết, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý không có ý nghĩa pháp lý. Bởi, để thực sự “ly hôn” khỏi EU, nước Anh cần tới 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế hiện nay có quá nhiều bất ổn, xung đột có thể bùng nổ bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu, mà trái tim châu Âu thì vốn không còn “lành lặn” sau những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng.

“Người Anh đã bỏ phiếu rời EU và ý nguyện của họ phải được tôn trọng”, Thủ tướng Anh tuyên bố. Ông sẽ ra đi vào tháng 10 tới.

Điều này có nghĩa là, đàm phán các điều khoản ra đi của nước Anh khỏi EU sẽ là phần việc của người kế nhiệm. Và khoảng trống mà EU cảm nhận được sớm nhất chính là tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào ngày 29/6, sẽ vắng mặt đại diện Anh.

Brexit: 3 triệu người đòi trưng cầu lại, hôn nhân Anh - EU được cứu vãn?

Đức "sốc nặng" vì quyết định ra đi của Anh

Tại nước Đức, việc Anh Brexit là điều chính quyền Berlin không hề mong đợi. Lúc này, Đức đang tính toán những bước đi thận trọng để làm sao vừa bảo đảm quyền lợi của mình trong khi vẫn bảo toàn sự ổn định và phát triển của liên minh, khi mà Đức đóng vai trò là thành viên sáng lập EU, còn nước Anh lại là đối tác thương mại quan trọng không thể hững hờ!

Một cơ chế liên minh linh hoạt hay cần tăng cường các điều khoản thắt chặt quy chế thành viên là điều mà bộ máy lãnh đạo EU khá đau đầu. Bởi, cũng như nước Đức, những thành viên sáng lập đều không muốn có một kịch bản tương tự Liên bang Xô Viết hồi năm 1991, nhưng hẳn sẽ không bao giờ chấp nhận các lợi ích quốc gia bị hi sinh.

Ba triệu chữ ký kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý Brexit mới liệu có cứu vãn nổi cuộc hôn nhân đầy trắc trở giữa Anh và EU?  Và liệu rằng, từ nay cho đến khi Brexit hoàn tất, cũng như trong tương lai, các thành viên EU sẽ phải làm sao để mối quan hệ với EU và “người thứ ba” Anh quốc được trọn nghĩa vẹn tình?  

Nhật Minh