Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

Thế giới - Ngày đăng : 17:26, 25/06/2016

Thủ tục để nước Anh ly dị với EU "hợp pháp" cần tới 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Trong khi đó, nguy cơ động đất kinh tế cùng những cơn địa chấn chính trị có thể xảy đến trong thế giới hậu Brexit…

Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

51,89% cử tri Anh lựa chọn rời EU

Hãy quên câu chuyện tăng lãi suất của FED!

Mở đầu phiên giao dịch ngày 24/6, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ bán tháo mạnh với chỉ số Dow Jones bốc hơi 500 điểm. Tại New York, cú giảm mạnh nhất trong 4 tháng đã xảy ra với chỉ số S&P 500 và Nasdaq. Cụ thể, S&P 500 giảm 2,6% xuống còn 2.058,91 điểm vào lúc 9h39 (giờ Mỹ), Nasdaq giảm 3%.

DJIA cũng không nằm ngoài tình trạng chung, giảm 467,94 điểm (tương đương 2,6%) xuống còn 17.543,13 điểm sau khi giảm 538 điểm… Cuối cùng, để cắt lỗ giảm sâu trên TTCK, sàn giao dịch New York buộc phải quyết định tăng mức ngừng giao dịch tự động.

Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

"Lạy Chúa tôi! Dow Jones bốc hơi 500 điểm chỉ vì Brexit!"

Gần một tháng trước đó, sắc xanh tràn ngập trên các sàn giao dịch Mỹ đã đem lại những tín hiệu khả quan cho thị trường. Kết thúc phiên 27/5, chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 2.099,06 điểm - mức đỉnh kể từ ngày 20/4. DJIA tăng thêm 44,93 điểm (tương đương 0,3%) lên 17.873,22 điểm, trong khi Nasdaq tăng 0,7% chạm mốc cao nhất 5 tuần.

Trên đây chỉ một phần rất rất nhỏ trong bức tranh kinh tế thế giới thời hậu Brexit. Thị trường chứng khoán, thị trường năng lượng, thị trường vàng… đã thực sự có những biến động đáng sợ khi ngày 23/6 tới gần, thời điểm cử tri Anh đi bỏ phiếu quyết định Ra đi hay Ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

“Các chỉ số kinh tế cho thấy quyết định của Anh làm đảo lộn con đường lãi suất của FED. Câu chuyện FED tăng lãi suất sẽ ra đi mãi mãi”, nhà kinh tế học Carsten Klude, Chủ tịch Quỹ Warburg Asset Management,  nhận định. Theo ông, chẳng những FED sẽ không tăng lãi suất vào tháng 7 mà còn có khả năng giảm lãi suất tới tận tháng 2/2017.

Đồng bảng giảm sâu, dân Anh hốt hoảng… “EU là gì?”

Thế giới thời hậu Brexit có những biến động không thể nào lường trước! Nghe có vẻ giống như một lời tiên tri đáng sợ hơn là những dự đoán mang tính học thuật của các nhà phân tích. Nhưng đó lại là những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, ngay ở nước Anh, khi cử tri Anh lựa chọn Ra đi - với 51,89% số phiếu cho phương án “ly hôn” EU (17.410.742 phiếu), trong khi 48,11% lựa chọn ở lại (16.141.241 phiếu).

Trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit, các chuyên gia kinh tế, giới phân tích đã đưa ra những đánh giá về khả năng mất - được nếu ra đi - hoặc - ở lại EU đối với nước Anh cũng như thị trường toàn cầu. Thế nhưng, có lẽ khó ai tưởng tượng được vẻ mặt hoảng hốt của các cử tri Anh khi thức dậy với đồng bảng rớt giá thảm hại xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 30 năm qua vào buổi sáng 24/6 (giờ địa phương), khi cuộc trưng cầu dân ý chưa có kết quả chính thức, và mới chỉ là dự đoán.

Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

Đồng bảng Anh giảm sâu

Cụ thể, đồng Bảng Anh đã rơi xuống mức giá thấp nhất kể từ năm 1985, từ hơn 1,5 USD/bảng Anh xuống còn hơn 1,37 USD/bảng Anh, mức giảm giữa hai phiên giao dịch là gần 7%. Còn tại thị trường châu Á, giá trị đồng bảng Anh so với yen Nhật cũng tuột dốc, giảm từ 160 yen đổi 1 bảng Anh xuống còn 142,15 yen đổi 1 bảng Anh.

Một nền kinh tế mạnh như siêu cường số 1 thế giới (đến Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phải thừa nhận) còn bị chao đảo bởi Brexit, thì không có gì khó hiểu khi Anh hay các nước khác nghiêng ngả vì cử tri Anh chọn ra khỏi EU.

Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy ra sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vài giờ. Một kết quả trên Google cho thấy, rất nhiều người đã lên Google để tìm hiểu… EU là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Anh rời khỏi EU?   

Theo một báo cáo của Google Trends (xu hướng tìm kiếm từ khóa), vào khoảng 1h00 sáng (giờ Việt Nam), tức 8 tiếng sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc ở Anh, lượt tìm kiếm với cụm từ “Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU?" tăng gấp 3 (!).

Và, có nhiều người đã bỏ phiếu với lựa chọn Ra đi nhưng lúc này lại hối hận vì đã Brexit. Những gì xảy ra khiến họ bàng hoàng. Thậm chí, theo kênh truyền hình ITV, có người còn sẵn sàng “bỏ phiếu ở lại” nếu như có cơ hội làm lại từ đầu (!?).

Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

Người dân Anh hốt hoảng lên Google tra EU là gì?

London: Muốn “độc lập khỏi Anh và xin gia nhập EU”  

Thật khó có thể tưởng tượng những gì đã xảy ra tại cuộc trưng cầu dân ý Brexit khi cử tri Anh đứng giữa hai sự lựa chọn In (ra đi) hay Out (ở lại), khi rất nhiều người trong số họ gần như đánh cược số phận của chính bản thân mình mà không hề biết, chính xác EU là gì? Họ được lợi ích gì khi Anh trở thành thành viên của EU? Họ sẽ mất gì khi Brexit? v.v… và v.vv… Những điều mà có lẽ chỉ những nhà lãnh đạo phe Ra đi mới thực sự am tường và kêu gọi cử tri ủng hộ mình bằng những bài phát biểu cùng các phân tích tỉ mỉ…

Cùng với nỗi bức xúc của những người trẻ về quyết định ra khỏi EU của một bộ phận, được cho là, những người thuộc thế hệ già, thì ngay tại Thủ đô nước Anh, hơn 70.000 người London đã ký vào một đơn thỉnh nguyện trên trang web trực tuyến change.org với nội dung “Tuyên bố London độc lập khỏi Anh và gia nhập EU”!

“London là một thành phố quốc tế, và chúng tôi muôn duy trì vị trí trái tim của châu Âu”, đơn thỉnh nguyện viết. Theo đó, đơn kêu gọi “Thay vì bỏ phiếu đối chọi lẫn nhau trong cuộc bầu cử, hãy chính thức rời Anh và tiến tới ở chung với những người bạn cùng châu lục với chúng ta”.

Thực tế, mặc dù kết quả chung cuộc cuộc trưng cầu dân ý Brexit với phần thắng gần 52% số phiếu ủng hộ Ra đi, thì người dân Scotland và Ireland vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Trong khi đó, Gibraltar (thị trấn miền đông nam tiểu bang Michigan), có tới 96% cử tri ủng hộ Anh ở lại. Điều này không ngoài dự đoán vì Gibraltar hiện đang lo ngại về vấn đề biên giới với Tây Ban Nha.

Còn trước đó, trên Metro, Thị trưởng London Sadiq Khan tuyên bố, London cần phải có tiếng nói trong các cuộc đàm phán sắp tới của Anh với EU về việc ra đi. Theo ông, việc rời bỏ EU - một thị trường 500 triệu dân với các lợi ích tự do thương mại - “sẽ là một sai lầm”.

Hậu Brexit: Nuối tiếc, hi vọng… 30 chưa phải là Tết!

Những người trẻ nuối tiếc và tức giận vì sự lựa chọn rời EU

30 chưa phải là Tết!?

Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý Brexit với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit xét trên khía cạnh pháp lý, chưa hoàn toàn chấm dứt hôn nhân giữa nước Anh với Liên minh châu Âu (EU). Bởi theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu thiết lập các quy định để một thành viên ra đi, thủ tục để Anh thực sự không còn “dính líu” tới EU cần đến 2 năm hoặc lâu hơn nữa.

Thực tế, kết quả bỏ phiếu ngày 23/6 không khác một lời “thông báo” (cho hợp pháp) tới EU là bao. Do đó, một số người ủng hộ phương án ở lại EU sử dụng chút lạc quan ít ỏi của mình cho hi vọng, sẽ có những cách nào đó để “lật ngược thế cờ” (?).

Tuy nhiên, theo BBC cũng như một số hãng thông tấn lớn, Brexit không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là câu chuyện đã tồn tại mấy thập kỷ qua. Trong khi, kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã phản ánh ước nguyện của đa số người dân Anh (theo tỉ lệ kiểm phiếu) là được rời khỏi EU. Vì thế, nếu kiên quyết dùng mọi cách để ở lại với EU thì chẳng khác nào… “tự sát chính trị”!

Kịch bản nào sẽ xảy ra cho nền kinh tế thế giới nói chung, khu vực châu Âu, và nước Anh? Chính trường quốc tế sẽ phải chứng kiến những cơn địa chấn nào? Thật khó có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra, dù hầu như những dự báo của các chuyên gia phân tích gần như chính xác 100%. Thế nhưng, như người Việt Nam vẫn thường nói, “30 chưa phải là Tết”! Điều bất ngờ có thể xảy đến vào lúc chúng ta không ngờ được nhất.

Nhật Minh