Xả súng ở Orlando: Nghi phạm lặp lại kịch bản vụ xả súng San Bernadino?
Thế giới - Ngày đăng : 13:36, 13/06/2016
Omar Mateen, nghi phạm gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando
Omar Mateen, người Mỹ gốc Afghanistan, được cho là thủ phạm vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando ngày 12/6.
Thông tin mới nhất cho thấy, có 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương trong vụ việc nói trên. So với con số 32 người thiệt mạng trong vụ xả súng năm 2007 tại trường Đại học Công nghệ Virginia, đây được coi là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nghi phạm từng tức giận khi thấy “hai người đàn ông hôn nhau”
Truyền thông Mỹ cho biết, Omar Mateen, sinh năm 1986, cư trú tại Port St Lucie, bang Florida, và không có tiền sử phạm tội rõ ràng trong quá khứ.
Theo nguồn tin của Daily Beast, cha mẹ Mateen đến từ Afghanistan. Mateen được sinh ra tại New York, và đã kết hôn với một người phụ nữ sống ở bang New Jersey.
Chia sẻ về cuộc hôn nhân kéo dài từ tháng 4/2009 - 7/2011 trên Washington Post, người phụ nữ này cho biết, Mateen “không phải là người bình thường” và thường xuyên đánh đập cô.
Cô khẳng định, Mateen không phải là người sùng đạo. Trong khi đó, trên NBC News, ông Mir Seddique Mateen - cha của Mateen, cũng nói, vụ tấn công của con ông hoàn toàn không liên quan tới tôn giáo.
Ông Seddique còn kể thêm, gần đây con trai ông đã tỏ ra hết sức giận dữ khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau. Theo ông, đây có thể là lý do dẫn tới vụ xả súng có thể được coi là kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
“Chúng tôi muốn xin lỗi vì toàn bộ chuyện này. Chúng tôi không biết con mình đang định làm điều gì. Chúng tôi cũng bị sốc giống như cả nước Mỹ vậy”, trang tin NBC News dẫn lời cha của Omar Mateen.
Hình ảnh bên ngoài hộp đêm Pulse sau vụ xả súng
Từng bị FBI liệt vào “đối tượng đáng quan tâm”
Nhưng theo Washington Post, lời nói của Mir Seddique có thể “không đáng tin”, bởi ông ta là người ủng hộ lực lượng Taliban ở Afghanistan.
Seddique hiện đang điều hành một tổ chức phi chính phủ nằm ở Afghanistan, mặc dù tới định cư ở Florida đã lâu. Thậm chí, ông còn cho rằng, tỉnh biên giới phía tây bắc của Pakistan “phải trả lại cho Afghanistan”, Washington Post cho biết.
Trên Facebook được cho là tài khoản cá nhân của Mir Seddique còn hô khẩu hiệu: “Afghanistan muôn năm”, và “Pakistan hãy chết đi, chết đi”.
Mới đây, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ, Mateen đã hai lần bị liệt vào diện “đối tượng đáng quan tâm”, năm 2013 và năm 2014. FBI thậm chí còn từng cân nhắc mở cuộc điều tra nhằm vào Mateen một lần.
Theo Daily Mail, hiện không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa Mateen và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, CBS News dẫn một nguồn tin tình báo cho biết, Mateen đã bấm số máy khẩn cấp 911 từ một căn phòng tắm, giữa lúc đang thực hiện vụ bắn giết (?). Bộ phận trực tổng đài 911 đã gọi lại số máy của Mateen và trong cuộc trao đổi, gã đã tuyên bố trung thành với IS.
Chi tiết này tương tự với vụ xả súng diễn ra ở San Bernadino hồi năm ngoái làm 14 người chết, khi đó sát thủ cũng lên mạng tuyên bố trung thành với IS.
Điểm đáng ngờ
Điều tra cho thấy, Mateen có một giấy phép sử dụng súng do yêu cầu của công việc (Mateen làm việc cho Công ty bảo vệ tư nhân G4S). Mateen đã bỏ tiền mua một khẩu súng, và đây chính là vũ khí được dùng trong vụ thảm sát.
Câu hỏi đặt ra là, liệu G4S có tiến hành kiểm tra lý lịch của Mateen hay không, khi mà một người từng làm việc với nghi phạm này ở G4S, Daniel Gilroy, cho biết, Mateen là người rất “bất ổn”. Thậm chí, Daniel còn kể rằng, Mateen từng nói về việc sẽ đoạt mạng kẻ khác. Anh đã báo với G4S về hành vi kỳ quặc của Mateen, song không ai quan tâm.
Mặc dù vậy, cho đến lúc này, dù bất kỳ giả thuyết nào được đưa ra, dù vụ tàn sát bị coi là hành động khủng bố như lời ứng cử viên Donald Trump, thì giới chức Cục Điều tra Liên bang (FBI) vẫn nhấn mạnh: cần phải tiến hành điều tra thêm mới có thể khẳng định thủ phạm có liên quan tới Hồi giáo cực đoan hay không.