Những vụ mất tích máy bay bí ẩn trên thế giới
Thế giới - Ngày đăng : 12:39, 20/05/2016
1. Năm 2014: Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines:
Chiếc Boeing 777-200 mất liên lạc với kiểm soát không lưu chỉ khoảng 2 giờ sau khi xuất phát vào ngày 8-3. Không có cuộc gọi khẩn cấp nào được thực hiện khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar ở vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam.
Các đội tìm kiếm từ nhiều quốc gia đã nỗ lực trong hơn hai năm qua, nhưng đến nay, phần thân chính của máy bay chưa được tìm thấy, cũng như chưa xác định được số phận của 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Theo giả thiết, chiếc máy bay đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương. Trung tâm Điều phối tìm kiếm của Australia (JACC) dự đoán các mảnh vỡ của máy bay MH370 theo dòng nước trôi về phía Tây Bắc của Ấn Độ Dương, bao gồm cả phía Đông châu Phi. Tổng cộng 5 mảnh vỡ của chiếc máy bay trên đã được tìm thấy tại nhiều vị trí khác nhau ở Ấn Độ Dương.
2. Năm 2009: Chuyến bay 447 của Air France:
Chiếc Airbus A330 cất cánh từ Rio de Janeiro trên đường tới Paris vào ngày 31-5-2009. Một vài giờ sau đó khi đang đi qua Đại Tây Dương, máy bay đã thông báo với trung tâm kiểm soát về vị trí của nó. Đó là lần liên lạc cuối cùng của 447. Vị trí cuối được biết tới của chiếc máy bay là một nơi cách cảng gần nhất 4 ngày đi tàu, và độ sâu của đại dương cản trở công việc tìm kiếm.
Gần 2 năm sau, người ta mới tìm thấy 447 nằm sâu dưới đáy biển, cùng với thi thể của các hành khách và các băng ghi âm trên máy bay. Toàn bộ 228 người trên máy bay đã thiệt mạng. Năm 2012, các nhà chức trách Pháp kết luật, các tinh thể băng đã làm gián đoạn hệ thống xác định tốc độ không khí của máy bay, dẫn tới chức năng lái tự động bị đứt quãng. Hậu quả là máy bay rơi xuống biển.
3. Năm 2003: Boeing 727
Ngày 25-5-2003, chiếc Boeing 727 đã đột ngột biến mất trên bầu trời thủ đô Luanda của Angola, sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro để tới Burkina Faso. Khi đó, đèn và bộ phận truyền tín hiệu (transponder) của máy bay đã bị hỏng. Chiếc máy bay này là sở hữu của một công ty tư nhân. Cho tới nay, tung tích của chiếc máy bay vẫn chưa được tìm ra.
4. Năm 1999: Chuyến bay 990 của EgyptAir
Chuyến bay 990 của Hãng Hàng không Ai Cập EgyptAir bị hạ độ cao chóng vánh, rơi từ độ cao 4,3 km trong vòng 36 giây đồng hồ, khi đang trên đường từ Cairo tới thành phố New York, Mỹ. Máy bay đã đâm xuống Đại Tây Dương ngoài khơi Massachusetts làm toàn bộ 217 người thiệt mạng.
Tuy mảnh vỡ của chiếc máy bay đã được tìm thấy sau đó, song nguyên nhân của vụ tai nạn xảy ra vào tháng 10-1999 vẫn là chỉ là sự đồn đoán. Các giả thiết về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn bao gồm cơ trưởng hoặc phụ lái tự sát, những hành động điều khiển sai lầm trong khoang lái. Phía Ai Cập cho rằng, tai nạn xảy ra vì sự cố cơ khí của máy bay.
5. Năm 1996: Chuyến bay 800 của Trans World Airlines
Chiếc máy bay cất cánh từ New York (Mỹ) tới Paris (Pháp), đã nổ tung trên bầu trời không lâu sau khi xuất phát, khiến toàn bộ 230 người trên máy bay thiệt mạng. Các nhân chứng đã nhìn thấy một dải khói và một quả cầu lửa xuất hiện, dẫn tới những đồn đoán cho rằng, những kẻ khủng bố đã tấn công chuyến bay bằng rocket. Cũng có ý kiến cho rằng, máy bay đã gặp sao băng hoặc tên lửa.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ sau đó kết luận, vụ nổ xuất phát từ chập mạch điện, gây nổ bình xăng, làm chiếc Boeing 747 vỡ tan thành từng mảnh. Bất chấp sự giải thích này, người ta vẫn cho rằng, Chính phủ Mỹ đã che đậy nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn.
6. Năm 1947: Máy bay Stardust của Anh
Một chiếc máy bay của Anh mang tên Stardust đã biến mất ở khu vực dãy núi Andes thuộc Argentina sau khi cất cánh từ Buenos Aires để bay tới Chile. Suốt 50 năm sau đó, không một nỗ lực nào để tìm kiếm chiếc máy bay xấu số này thành công. Đến năm 2000, mảnh vỡ của máy bay gặp nạn đã được tìm thấy trong tình trạng bị chôn vùi sâu dưới băng.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 2-8-1947, khiến 11 người thiệt mạng. Bức điện cuối cùng bằng mã Morse được Stardust gửi đi là từ “STENDEC”. Cho đến nay, chưa ai giải nghĩa được từ này.
7. Năm 1945: Chuyến bay 19 của máy bay ném bom thuộc Hải quân Mỹ
Chuyến bay 19 không chỉ bao gồm 1 máy bay, mà có tới 5 máy bay ném bom thuộc Hải quân Mỹ tham gia. Các máy bay này đã cùng biến mất trên bờ biển Florida vào ngày 5-12-1945.
Một người hướng dẫn bay đi một máy bay, và các phi công được huấn luyện nhuần nhuyễn có kinh nghiệm 350-400 giờ bay đi 4 máy bay còn lại. Tín hiệu radio cho thấy, người hướng dẫn đã bị lạc khi la bàn bị hỏng. Liên lạc radio bị mất trước khi xác định được chính xác vấn đề xảy ra. Bởi thế, không bao giờ người ta tìm thấy dấu vết của đội bay này.
Câu chuyện càng trở nên kỳ bí khi một máy bay tìm kiếm được cử đi tìm chuyến bay 19 cũng biến mất. Người ta cho rằng, chuyến bay 19 đã đi vào khu vực được biết đến với tên gọi “tam giác quỷ Bermunda”.
8. Năm 1942: Máy bay chiến đấu của Anh
Một máy bay chiến đấu thuộc lực lượng không quân Hoàng gia Anh đã rơi xuống vùng sa mạc Sahara của Ai Cập vào ngày 28-6-1942. Viên phi công đã biến mất, và chiếc máy bay P-40 Kittyhawk tưởng như cũng cùng chung số phận. Nhưng năm 2012, công nhân của một công ty dầu lửa đã phát hiện thấy chiếc máy bay này, 70 năm sau khi xảy ra vụ tai nạn. Một điều đáng ngạc nhiên là chiếc máy bay ở trong tình trạng rất tốt, với thân, cánh, đuôi và các thiết bị khoang lái gần như còn nguyên. Theo các chuyên gia, vào thời đó, máy bay chỉ mang theo những đồ tiếp tế cơ bản, nên cơ hội sống sót của phi công khi có tai nạn xảy ra là không cao.
9. Năm 1937: Nữ phi công Amelia Earhart
Sự biến mất của nữ phi công Amelia Earhart - người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương - có lẽ là vụ mất tích bí hiểm nhất chưa tìm ra lời giải trong ngành hàng không thế giới. Năm 1973, bà Earhart thực hiện chuyến bay với tham vọng sẽ là người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh thế giới. Bà đi trên một chiếc LockheedElectra 2 động cơ.
Khi còn khoảng 7.000 dặm nữa là hoàn thành hành trình, bà hạ cánh xuống đảo Howland ở giữa Thái Bình Dương. Việc hạ cánh không diễn ra suôn sẻ. Tín hiệu radio từ máy bay của bà không còn rõ. Điều cuối cùng mà người ta nghe thấy bà nói qua liên lạc radio là: “Chúng tôi đang trồi lên rồi lại tụt xuống”.
Sau khi bỏ ra chi phí 4 triệu USD và tìm kiếm khắp 250.000 dặm vuông trên đại dương, nhà chức trách Mỹ đã chấm dứt các nỗ lực tìm kiếm. Có nhiều giả thiết đưa ra, nhưng số phận của nữ phi công Earhart và người dẫn đường Fred Noonan cho đến nay vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.