Trung Quốc giẫy nẩy trước báo cáo của Lầu Năm Góc về tình hình biển Đông
Thế giới - Ngày đăng : 10:34, 16/05/2016
Tính đến tháng 12/2015, Trung Quốc bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh (13 km2) trên quần đảo Trường Sa
Trước đó, ngày 13/5, Lầu Năm Góc công bố bản báo cáo Quốc hội hàng năm về những hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Trong bản báo cáo hàng năm dài 7 trang của Lầu Năm Góc năm nay, lần đầu tiên Lầu Năm Góc đưa ra thông tin chi tiết gồm sơ đồ, hình ảnh của vệ tinh trinh sát chụp trước và sau các đảo nhân tạo và công trình trên biển Đông, tính đến tháng 12/2015.
Theo đó, Trung Quốc bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh (13 km2) trên quần đảo Trường Sa, đang xây dựng cơ sở hạ tầng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Hiện, Trung Quốc đang xây dựng đường băng tại Đá Vành Khăn và Đá Su bi, tại đây các công trình đang ở trong "giai đoạn cuối cùng của xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu". Và nước này đang triển khai các hoạt động xây dựng hệ thống truyền thông, giám sát và các công trình hậu cần kỹ thuật.
Báo cáo có đoạn viết, "Những sân bay, khu vực bến cảng, các cơ sở tiếp vận hậu cần sẽ chophép Trung Quốc duy trì một lực lượng giám sát biển lâu dài và linh hoạt, song song cùng với sự hiện diện quân sự trong khu vực. Những cơ sở hậu cần kỹ thuật quân sự sẽ làm gia tăng khả năng của Trung Quốc để phát hiện và phản ứng nhanh trước những động thái thách thức của các đối thủ hoặc bên thứ ba, mở rộng phạm vi những khả năng quân sự sẵn có của Trung Quốc, giảm thời gian cần thiết để triển khai lực lượng.”
Hình ảnh bồi đắp đảo Đá Vành Khăn của Trung Quốc trong báo cáo
Hình ảnh bồi đắp đảo Đá Subi của Trung Quốc trong báo cáo
Đây lần đầu tiên trong báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc đã đưa ra thông tin chi tiết như vậy.
Trong bản báo cáo năm ngoái Lầu Năm Góc trình Quốc Hội Mỹ về hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông, cho tới tháng 12/2014, Trung Quốc mới chỉ bồi đắp 500 mẫu Anh, trên quần đảo Trường Sa.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều ngày 13/05, phó trợ lý thư ký Lầu Năm Góc khu vực Đông Nam Á, Abraham Denmark cho biết, chiến lược của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa mục đích của mình, không dẫn đến tình huống nguy hiểm cho hòa bình an ninh khu vực, nhưng có điều kiện gia tăng sức mạnh quân đội và phát triển kinh tế, từ đó duy trì sức mạnh lãnh đạo của nước này.
Ngay khi báo cáo này được đưa ra, ngày 15/5, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ và gọinhững cáo buộc này của Mỹ là “thổi phồng” mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân chỉ trích, báo cáo này là “cố ý bóp méo chính sách quốc phòng quốc gia Trung Quốc”. Đồng thời, ông cáo buộc Washington quá đa nghi. Ông Dương biện minh rằng, việc Trung Quốc cải cách quân sự, tăng cường vũ khí, hoạt động xây dựng trên đảo là nhằm mục đích duy trì chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo sự phát triển hòa bình của quốc gia. Ông này đồng thời, cáo buộc Mỹ thường xuyên điều máy bay quân sự và tàu chiến đến biển Đông nhằm phô trương lực lượng.