Hồi ức Sài Gòn trưa 30/4/1975 của phóng viên chiến trường hãng thông tấn AP
Thế giới - Ngày đăng : 06:00, 30/04/2016
13 năm lăn lộn tại chiến trường Việt Nam
Peter Arnett được biết đến là phóng viên phương Tây đầu tiên và duy nhất phỏng vấn trùm khủng bố Osama Binladen, và là người từng có mặt tại những cuộc chiến nóng bỏng nhất: từ chiến tranh Việt Nam (1962-1975), cuộc chiến vùng Vịnh, đến chiến trường Baghdad (Iraq). Ông đã tận mắt chứng kiến nhiều sự kiện lớn, có những tin tức, phóng sự nóng hổi gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới.
Peter Arnett được hãng tin AP cử đến miền Nam Việt Nam hồi tháng 6/1962, khi đó ông mới 27 tuổi. Arnett sau đó đã dành 13 năm lăn lộn tại chiến trường Việt Nam, với tư cách là phóng viên hãng thông tấn AP. Có thể nói, Việt Nam chính là nơi Peter Arnett bước vào nghề báo để rồi sau này trở thành một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng nhất thế giới.
Ông Peter Arnett tới Việt Nam khi mới 27 tuổi, giờ ông đã hơn 80 nhưng những hồi ức của ông về ngày miền nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng vẫn còn nguyên vẹn
Peter Arnett nói: ‘Tôi đã trưởng thành rất nhanh, tôi được học nhiều về nghề báo và cũng tại đây, tôi được chứng kiến sự dũng cảm của các đồng nghiệp khi dấn thân ra chiến trường và đối mặt với cái chết. Đây là nơi tôi đã xác định theo đuổi nghề báo”. Cũng từ đó, “Tôi coi công việc đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam như một nhiệm vụ lớn. Tôi đã viết hơn 3.000 bài về cuộc chiến này nên việc chỉ ra đâu là tin bài quan trọng nhất là một việc không thể”.
Trước đó bốn năm, ông cũng từng đến thăm Sài Gòn, nhưng với tư cách là khách du lịch. Nhưng khi còn ở Indonesia, nhờ gặp gỡ nhiều phóng viên phương Tây đưa tin về chiến tranh chống Pháp ở Đông Dương và chiến sự ở miền Nam Việt Nam nên ông quyết định quay trở lại Việt Nam trong vai trò của người phóng viên chiến trường.
Trong thời gian từ tháng 6/1962 đến tháng 5/1975, ông có mặt ở hầu hết các trận chiến ác liệt giữa quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa với lực lượng của Mặt trận Giải phóng miền nam Việt Nam.
Trong số các trận chiến Arnett đưa tin có trận Ấp Bắc vào tháng 1/1962, Phong trào Phật giáo ở Sài Gòn và Huế năm 1963, cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tháng 11/1963. Trong bốn năm tiếp theo ông đưa tin quân đội Mỹ giao tranh với lực lượng miền Bắc Việt Nam, Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến trường Campuchia năm 1970, Chiến dịch Xuân hè 1972.
Trong suốt 13 năm ấy, Arnett từng trải qua rất nhiều thời khắc nguy hiểm đến tính mạng, ông thường xuyên có mặt ở chiến trường nơi lính Mỹ đánh giáp lá cà với lực lượng miền Bắc, những lần ra trận kéo dài từ một đến hai tuần.
Ông nói, "Mỗi lần như vậy, tôi rất sợ hãi. Bạn hỏi tôi có nguy cơ bị chết không. Có, nhưng tôi tin rằng việc viết những câu chuyện chiến tranh như vậy rất đáng giá dù phải chịu hiểm nguy”.
Hồi ức Sài Gòn trưa 30/4/1975
Sau nhiều năm lăn lộn trên chiến trường ở Việt Nam, Arnett đã từ một thanh niên 27 tuổi trở thành một người đàn ông trưởng thành. Và dấu mốc đáng kể nhất trong cuộc đời ông, là việc ông được chứng kiến giờ phút lịch sử làm thay đổi cả cục diện thế giới.
Ông nhớ lại, vào những ngày cuối tháng 4/1975, mặc dù được bố trí di tản, nhưng ông cùng với 2 đồng nghiệp khác tình nguyện ở lại để được tận mắt chứng kiến kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam ác liệt và tốn kém mà họ, với tư cách là một phóng viên Mỹ đã theo dõi nhiều năm qua.
Khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975, 2 miền Nam - Bắc quy về một mối sau 21 năm chia cắt
Và ngày hôm đó – 30/4/1975, anh đồng nghiệp Matt Franjola vừa đi thám thính một vòng quanh thành phố, rồi trở về và kể rằng, anh ta suýt va phải chiếc xe jeep, trên xe có một thanh niên trẻ tuổi mặc bộ đồ đen, mang súng trường của Nga. Mặt anh ta rất hân hoan.
"Đồ đen ư? súng Nga ư?" vừa nghĩ Arnett vừa lao xuống đường Tự Do. Ông nghe thấy tiếng gầm rú của các chiến xa hạng nặng hướng về phía nhà thờ cổ của Pháp. Trên mỗi chiếc xe đều có các binh sĩ miền Bắc mặc quân phục. Chiếc mũ xanh trên đầu họ ngả ra phía sau mỗi khi họ chăm chú nhìn những tòa nhà cao ngất bên đường.
Arnett trông thấy một lá cờ lớn của quân Giải phóng được kéo lên từ một căn phòng ở khách sạn Caravelle gần đó. Ông cũng nhìn thấy một nhóm lính Cộng hòa chạy xuống một phố nhỏ, vứt bỏ quân phục, quăng cả vũ khí vào ô cửa các cửa hiệu. Vài phút sau, xe tăng của quân Giải phóng húc cổng sắt của dinh Độc lập tiến vào.
Nhớ lại khoảnh khắc đó Arnett chia sẻ: “Tôi chạy vội về văn phòng, tim như nhảy ra ngoài theo mỗi bước leo lên cầu thang. Tôi lao vào văn phòng và hét lên: "George! Sài Gòn thất thủ, gọi trụ sở New York đi”. Khi ấy đồng hồ chỉ 11h43 ngày 30/4/1975.
Sau khi hét lên với George, Arnett vội vàng viết một bản tin về những gì mình chứng kiến, chuyển cho người phụ trách điện tín người Việt tên là Tammy. Anh này đọc nhưng cứ nhấp nhổm, nhìn ra cửa, Arnett ấn anh xuống ghế và yêu cầu gửi bản tin đi, Tammy thực hiện xong thì lao vọt khỏi văn phòng và Arnett không bao giờ gặp lại Tammy nữa.
Cùng lúc đó, tôi cũng nghe thấy George Espe - trưởng văn phòng AP tại Sài Gòn, la lên "Đầu hàng, đó là đầu hàng". Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Dương Văn Minh khi đó tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, miền Nam Việt Nam chính thức được chuyển giao cho quân Giải phóng miền Bắc. Esper chạy nhanh vào phòng điện tín và gửi cho trụ sở New York. "Tin về đầu hàng của AP nhanh hơn UPI 5 phút. Trong chiến trận hay thời bình, các dịch vụ chuyển tín hiệu đóng một vai trò cạnh tranh đặc biệt" - Arnett kể.
Sau khi gửi tin về Mỹ, Arnett cùng Franjola lại đi thăm dò các phố. Xe tăng do Nga sản xuất tiến vào nhiều hơn. Người dân miền Nam tràn ra các vỉa hè, dường như nỗi lo sợ của họ về đổ máu đã biến mất.
Cuốn hồi ký Sai Gon has fallen (Tạm dịch: Sài Gòn thất thủ) của Peter Arnett ra mắt đúng dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam
Arnett trở lại khách sạn Caravelle, bất ngờ chạm trán 1 chiếc xe Molotova của Nga, phía sau có nhiều quân Giải phóng tiến đến. Nỗi lo sợ bị bắn giết khiến trống ngực ông đập dồn dập. Nhưng trái với suy nghĩ của ông, toán quân đi thẳng qua và không hề có sự bắn giết nào. Arnett bước lên cầu thang và nghĩ thầm “Điều này là kết thúc cho tất cả những gì mà một thế hệ Mỹ đã chiến đấu chống lại và mấy đời Tổng thống Mỹ đã âm mưu ngăn cản”.
Trở lại văn phòng, Arnett dường như vẫn chưa hết hồi hộp. Ông viết: “Tôi lách qua đám đông tụ tập quanh cửa văn phòng và cảm thấy mệt mỏi quỵ xuống. George dìu tôi lại một máy đánh chữ. Tôi nghe thấy anh ta hỏi, Arnett có vấn đề gì không vậy? Tôi ra hiệu lấy giấy và đánh bản tin bắt đầu bằng: “Sài Gòn 30/4/1975, Quân Giải phóng chiếm đóng thành phố một cách thanh bình, họ hành quân trên những đại lộ đầy cây bên đường, trên những xe tải cùng cờ bay phấp phới. Người dân Sài Gòn đứng chứng kiến hai bên đường. Không một tiếng súng nổ”.
Sau đó, bất chấp nỗ lực của Arnet gửi thêm tin bài về Mỹ, nhưng hệ thống truyền tin không hoạt động nữa, chính quyền mới đã làm nó ngưng. Arnett nói, "Thế đấy, George, cuộc chiến đã chấm dứt".
Buổi chiều trên thành phố vừa được giải phóng không có gì khác biệt là mấy. Trên đường, bộ đội và người dân vẫn đi lại nườm nượp. Người phóng viên kỳ cựu của AP viết: “Franjo và tôi trở lại đường phố, thấy đám đông ra khỏi chỗ ẩn nấp, hòa cùng những người lính chiến thắng và nói chuyện trên các góc phố hoặc tụ tập ở vỉahè. Một giờ trước đó, dân chúng còn e ngại, nhưng rồi lấy lại sự tự tin tức khắc”.
“Trong 13 năm viết về chiến tranh Việt Nam, tôi chưa bao giờ mơ nó kết thúc theo cách như buổi chiều nay. Tôi nghĩ rằng nó có thể kết thúc bằng một cuộc thanh toán chính trị giống như ở Lào. Thậm chí, một trận đánh sinh tử với thành phố còn lại trong tàn phá. Nhưng trên thực tế, đã có sự đầu hàng vô điều kiện” - ông hồi tưởng - “Buổi chiều hôm đó, tiếp nối bằng hai giờ gặp gỡ với các quân nhân vũ trang của miền bắc trong văn phòng AP ở Sài Gòn, nói chuyện và uống Coca với bánh quy. Với tôi, cuộc chiến đã kết thúc như thế đấy".
Sau khi cuộc chiến kết thúc, Arnett quay về Mỹ tiếp tục công việc của mình. Lần đầu tiên Arnett trở lại Sài Gòn vào năm 1985, với tư cách phóng viên của CNN. Ông cho biết, mình vẫn luôn giữ liên lạc với những người từng chứng kiến một giai đoạn lịch sử của Việt Nam và cũng thường xuyên gặp gỡ các cựu sĩ quan Mỹ. Họ ở tầm tuổi ông, từng ở cùng chiến trận với nhau. "Họ đều đến thăm Việt Nam thời bình và gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam, những người từng ở phía bên kia chiến tuyến", ông nói.
Ngày 10/4/2015, Peter Arnett cho ra mắt cuốn hồi ký Sai Gon has fallen (Tạm dịch: Sài Gòn thất thủ) nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất Việt Nam. Cuốn sách nói về cuộc đời làm phóng viên của ông ở Việt Nam trong suốt 13 năm, bao gồm 21 hình ảnh ấn tượng, sưu tập từ kho lưu trữ AP và bộ sưu tập cá nhân của Arnett. Trong đó, ông kể lại thời điểm lịch sử các cuộc chiến kéo dài, những trận đổ bộ vào đất liền của quân đội Mỹ, các trận đánh trên đồi và cuộc di tản của nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ trong những giờ phút cuối cùng hỗn loạn. Đặc biệt ông nói đến cuộc di tản an toàn 57 trẻ sơ sinh trong thời điểm cam go ấy. Cuốn hồi ký còn gồm các chương viết về sự trở lại Việt Nam của ông vài chục năm sau đó, là những lần ông đến Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với tư cách là phóng viên của CNN. “Việt Nam là cuộc chiến không bị kiểm duyệt cuối cùng của nước Mỹ. Chúng tôi, những người làm báo bị đẩy vào giữa một tảng đá và một nơi khó khăn. Chúng tôi chịu sự chi phối của quan chức chính phủ nhằm bày tỏ sự lạc quan của họ về cuộc chiến, trong khi giám đốc hãng tin tức của chúng tôi lại yêu cầu quay trở về và báo cáo sự thật, không một chút sai sót. Chúng tôi chọn sự thật, chúng tôi chia sẻ với độc giả những hiện thực cay đắng của cuộc chiến, một cuộc chiến không thể thắng lợi, cái mà cả người Mỹ và Việt Nam đều tranh đấu, và khi không thể chịu nổi nữa thì cái kết của 40 năm về trước chính là sự mất mát”, Peter Arnett nói trong một lần trở lại Việt Nam. |