Các nước Đông Nam Á đổ xô sắm chiến đấu cơ!?
Thế giới - Ngày đăng : 09:50, 26/04/2016
Triển lãm Quốc phòng châu Á tại Kuala Lumpur kéo dài từ ngày 18-21/4 thu hút nhiều nhà sản xuất máy bay quân sự trên thế giới, trong đó có những tập đoàn lớn của Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc, Pakistan.
Su-35 của Nga được chào hàng với các nước Đông Nam Á
Một nguồn tin từ Reuters tiết lộ, rất có thể, nhiều hợp đồng hàng tỉ đô sẽ được ký kết. Trong đó, những máy bay được đặc biệt chú ý là: Typhoon (của liên doanh Eurofighter GmbH bao gồm bốn nước Đức, Tây Ban Nha, Anh, Ý), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)…
Bên lề cuộc triển lãm, một hội thảo về vũ khí cũng được tổ chức nhằm tạo cơ hội gặp gỡ cho khách hàng là đại diện chính phủ các nước và người bán là những hãng sản xuất vũ khí.
Malaysia được cho là một trong những khách hàng tiềm năng nhấttrong khu vực Đông Nam Á, khi được cho là đang nỗ lực thay thế các chiến đấu cơ MiG-29 thời thập niên 1990 do Nga sản xuất sau nhiều năm trì hoãn.
Kuala Lumpur có thể mua đến 18 chiến đấu cơ, với tổng trị giá hợp đồng trên 2,5 tỉ USD, Reuters cho biết. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Malaysia từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong khi đó, nguồn tin cũng cho hay, Thái Lan cũng có ý định thay thế các chiến đấu cơ F-5 và F-16 của Mỹ bằng JAS 39 Gripen của hãng Saab và nhiều vũ khí khác do Thụy Điển sản xuất. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan Kongcheep Tantrawanit cho biết, Thái Lan có kế hoạch dài hạn nhưng hiện chưa có kinh phí và chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.
Cũng theo Reuters, Việt Nam đang đàm phán với Nga để mua chiến đấu cơ Su-35 và một số chiến đấu cơ khác của Nga. Nhưng các quan chức của Rosoboronexport, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu vũ khí Nga, từ chối bình luận về thông tin này.
Bên cạnh đó, Indonesia vẫn chủ yếu dựa vào hai đối tác chính là Lockheed Martin - tập đoàn Mỹ, với loạt F-16 và Rosoboronexport của Nga với loại chiến đấu cơ Su-30 và Su-35.
Reuters đưa ra nhận định của nhà phân tích của trang tin quốc phòng IHS Jane's (Anh) cho hay, "Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia trong vùng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tăng tốc tiến trình hiện đại hóa các phương tiện phòng thủ."