"Con lợn đất" - Kẻ thế chân Thần Sấm trong chiến tranh Việt Nam
Thế giới - Ngày đăng : 16:11, 22/04/2016
Việc F-111 xuất hiện ở chiến trường Việt Nam được xem là một tính toán chiến lược của quân đội Mỹ trong cuộc chạy đua về chiến thuật với lực lượng không quân nước ta.
Các chuyên gia quân sự vẫn coi siêu chiến đấu cơ F-111 chính là một nghịch lý trong chiến tranh Việt Nam, nó đi ngược lại nguyên lý thông thường “bay càng cao càng tốt” đối với một máy bay chiến đấu. Bởi đơn giản, F-111 được chọn vì bay... “siêu thấp”.
F-111 Aardvark - “Con lợn đất”, chiếc máy bay “cánh cụp cánh xòe” vốn được Lầu Năm Góc kỳ vọng nhưng đã thất bại nặng nề trong chiến tranh Việt Nam.
“Con lợn đất” - Sự chọn lựa “hoàn hảo” thay Thần Sấm!?
Tháng 3/1965, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất. Thần Sấm F-105 Thunderchief được Lầu Năm Góc kỳ vọng và trao trọng trách to lớn, đóng vai trò chủ lực trong Chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder). Thế nhưng, những gì F-105 thể hiện trên thực tế đã khiến giới quân sự Mỹ thất vọng.
F-105 không thể hoạt động trong thời tiết xấu, động cơ gặp nhiều lỗi; chỉ cường kích được ở chế độ bổ nhào, tốc độ và tính cơ động kém nên dễ bị hạ. Đặc biệt, F-105 cần phải có F-4 hộ tống khi đối đầu với những chiếc MiG nhỏ nhanh nhẹn của quân đội ta… Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara khi đó buộc phải tiến hành thử nghiệm một loại chiến đấu cơ mới để thay thế F-105. Đó chính là F-111!
Máy bay phản lực F-111 do hãng General Dynamics chế tạo, là loại ném bom chiến thuật - chiến lược kiểu động cơ kép - hai người lái, lần đầu tiên bay thử năm 1965. Phiên bản dành cho Không quân Hoa Kỳ được đặt tên chính thức là Aardvark (Con lợn đất).
Thần Sấm F-105 Thunderchief
Đội bay ban đầu của chiến dịch Combat Lancer. Ảnh chụp ngày 26/3/1968 tại căn cứ không quân Takhli. Ảnh tư liệu
F-111 đi tiên phong trong một số kỹ thuật sản xuất máy bay quân sự, với đặc điểm nổi bật là có khả năng cụp xòe đôi cánh khi bay, góc cánh được điều chỉnh từ 16-72,5 độ. Cánh mở rộng khi cất, hạ cánh và bay ở tốc độ chậm; trong khi muốn tăng tốc lên siêu âm, cánh được cụp lại để tạo cấu hình khí động tối ưu.
F-111 có thể bay bám địa hình phức tạp ở độ cao cực thấp (khoảng 70m) ở tốc độ cao nhờ hệ thống radar địa hình và điều khiển tự động, tấn công chính xác mục tiêu bất kể ngày đêm, bất kể thời tiết, có thể cất cánh trên đường băng ngắn 100m, bán kính hoạt động lên tới 5.800km, khả năng tải trọng lớn 11,25 tấn.
Theo tính toán của Lầu Năm Góc, với các ưu điểm đặc biệt kể trên, F-111 có khả năng tác chiến độc lập mà không cần phải có đội quân hộ tống như Thần Sấm F-105, và sẽ tạo ra sự khác biệt trong chiến dịch Sấm Rền.
Thực tế là…
Ngày 15/3/1968, F-111 chính thức nhận “sứ mệnh chiến đấu” tại chiến trường Việt Nam trong chiến dịch Combat Lancer. 6 máy bay F-111A số hiệu 660016, 660017, 660018, 660019, 660021 và 660022 cất cánh từ căn cứ không quân Nellis, vượt qua Thái Bình Dương đến căn cứ Takhli, Thái Lan, và được chào đón bằng một buổi lễ hoành tráng với hơn 1.000 người tham dự.
Cùng đội F-4 ném bom để đánh giá hiệu quả, chiếc 660016 xuất kích đầu tiên vào ngày 18/3. Cả 6 chiếc đều có phi vụ khởi đầu khá suôn sẻ.
Nhưng, F-111A đầu tiên đã bị bắn hạ vào ngày 28/3/1968. Chiếc máy bay mang số hiệu 660022 do thiếu tá Henry E. McCann và đại úy Dennis.L.Graham điều khiển, mang theo 12 quả bom 340kg và một tên lửa đối không AIM-9B, có nhiệm vụ tấn công một bãi tập kế xe tải. Phía Mỹ khi đó cho biết, sự thất bại của Con lợn đất là do… lỗi kỹ thuật!?
Tiếp đó, chiếc F-111A thứ hai rơi ngày 30/3/1968 mang số hiệu 660017 tại Hà Tĩnh. Đến đầu tháng 4/1968, Lầu Năm Góc tăng cường hai chiếc F-111A số hiệu 660024 và 660025 để thay thế hai chiếc đã mất. Nhưng vào ngày 21/4/1968, 660024 đã bị bắn rụng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên xác một chiếc F-111 bị quân dân ta bắn hạ trước chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu
Mảnh xác chiếc máy bay F-111 bị dân quân xã Tiền Châu, Yên Lãng, Vĩnh Phú bắn hạ tháng 10/1972. Ảnh tư liệu
Mất 3 chiến đấu cơ chỉ trong một tháng là một thất bại không thể tệ hại hơn của Không quân Mỹ. Quốc hội Mỹ không thể chấp nhận điều này. Và sứ mệnh hoành tráng Combat Lancer của F-111A trong Chiến dịch Sấm Rền buộc phải kết thúc. 5 chiếc may mắn sống sót quay trở lại Nellis vào tháng 11/1968.
Sau thất bại trên chiến trường Việt Nam, chương trình cải tiến, nâng cấp về mặt kỹ thuật và đào tạo phi công cho F-111 đã được thực hiện. Đến năm 1972, cùng với sự leo thang lần thứ hai của chiến tranh phá hoại miền Bắc, F-111 quay trở lại, góp mặt trong chiến dịch Linebacker và Linebacker II với một lực lượng hùng hậu, cũng như được chuẩn bị kỹ càng hơn.
Thế nhưng, ngay trong đêm 28/9/1972, chỉ sau khi rời khỏi căn cứ Nellis 33 tiếng đồng hồ, một chiếc F-111 mang số hiệu 670078 đã bị bắn hạ tại Yên Bái. Lực lượng F-111 phải dừng bay tới ngày 5/10/1972 để sửa chữa, rút kinh nghiệm.
Đêm 16 rạng sáng ngày 17/10/1972, một chiếc F-111A mang số hiệu 670066 bị hạ bằng súng 12,7mm của dân quân xã Tiền Châu, Yên Lãng, Vĩnh Phú.
Trước cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm tháng 12/1972, Không quân Mỹ còn mất thêm hai chiếc F-111 nữa.
Tiếp đó, trong trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử, quân và dân ta đã hạ 5 chiếc F-111 chủ yếu bằng súng bộ binh.
Mặc dù thất bại nặng nề trong chiến dịch Linebacker và Linebacker II, nhưng F-111 vẫn được công nhận là loại máy bay chiến đấu có hồ sơ bay “an toàn” nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Không quân Mỹ cho F-111 nghỉ hưu vào năm 1996. Tuy nhiên, tại Australia, F-111 vẫn được Không lực Hoàng gia Australia (RAAF) sử dụng dưới cái tên “Pig” (Con lợn) cho đến khi hoàn toàn ngơi nghỉ sau ngày 3/12/2010.