Lần đầu "lộ" thông tin mật, Triều Tiên muốn gì?
Thế giới - Ngày đăng : 19:52, 14/04/2016
Lần đầu tiên thông tin mật về quá trình phát triển tên lửa tầm xa, bất chấp lệnh trừng phạt từ quốc tế, đã được Bình Nhưỡng tiết lộ. Điều này làm dấy lên lo ngại, khả năng thực sự của Triều Tiên có thể tốt hơn nhiều so với nhận định trước đó của giới chuyên gia.
Còn nhớ, hồi tháng 5 năm ngoái, chính quyền Chủ tịch Kim Jong-Un bất ngờ bị “bóc mẽ” khi hai kỹ sư hàng không vũ trụ Đức đưa ra bằng chứng chứng tỏ bức ảnh mô tả vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên là một sản phẩm… photoshop.
Bức ảnh chụp vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên được cho là sản phẩm của... photoshop
Những chiếc tàu phản ứng nhanh của quân đội Triều Tiên được chỉ ra giống nhau đến từng... gợn sóng
Trước đó, năm 2013, những chiếc tàu phản ứng nhanh của quân đội nước này đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao của dân công nghệ, bởi chúng giống nhau tới từng... gợn sóng.
Chính vì vậy, đầu năm nay, khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, nhiều ý kiến cho rằng, đây chẳng qua cũng chỉ là “màn kịch khoa trương” của nhà lãnh đạo Kim mà thôi.
Tuy nhiên, điều “khác thường” đã xảy ra ngay tại thời điểm trước thềm Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào tháng 5 tới.
Trước đây, việc tiếp cận thông tin về chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên khá khó, chủ yếu qua ảnh chụp vệ tinh, hay mẫu vật hoặc vật liệu còn sót lại sau vụ thử. Thế nhưng, hơn một tháng qua, truyền thông nước này công bố nhiều bài báo với ảnh minh họa màu các vụ thử tên lửa, cùng nhiều hoạt động trong nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Gần đây nhất, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA khẳng định, Bình Nhưỡng đã thử thành công động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn toàn mới, cùng những hình ảnh cho thấy khả năng đó là mẫu động cơ của tên lửa R-27 do Liên Xô thiết kế.
Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: The Gazette
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, việc tiết lộ thông tin mật nói trên nằm trong chiến lược ngoại giao - quân sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, muốn các nước tin rằng, Triều Tiên có thực sự có năng lực chứ không chỉ có khả năng; và là bước đi có ý nghĩa về mặt ngoại giao nhiều hơn là mặt quân sự. Bởi, cho đến lúc này, tính xác thực của thông tin vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Theo Michael Elleman, chuyên gia tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế, việc “phá rào” của chính quyền Chủ tịch Kim gần như là lời tuyên bố “ngầm” rằng, Triều Tiên không hề có ý định dừng lại việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, dù cho LHQ và phương Tây có áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mới đi chăng nữa. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi thực tế Bình Nhưỡng đã nhiều lần phớt lờ nghị quyết cũng như những cảnh báo trừng phạt của HĐBA LHQ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un bên mô hình đầu đạn hạt nhân thu nhỏ
Đầu tháng 3 vừa qua, HĐBA LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (được xem là vụ thử hạt nhân lần thứ tư) vào ngày 6/1, và phóng vệ tinh lên quỹ đạo ngày 7/2 (mà phương Tây cho là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa). Thế nhưng, ngay sau đó, ngày 9/3, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un lại cho biết các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng không loại trừ khả năng thật sự của Bình Nhưỡng có thể còn tốt hơn dự đoán. Thậm chí, tình báo quân sự Mỹ từng nhận định, vào năm 2020, tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên sẽ hoàn chỉnh và đủ sức tấn công tới Mỹ!?
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, tất cả những phân tích, nhận định của các chuyên gia vẫn chỉ mang tính chất tham khảo. Như đã nói, Triều Tiên vốn được mệnh danh là quốc gia bí ẩn nhất hành tinh, và chính quyền Chủ tịch Kim luôn có những hành động khiến phương Tây bất ngờ.