Nạn nhân vụ tấn công hóa học ở Aleppo có biểu hiện nhiễm khí độc clo
Thế giới - Ngày đăng : 15:20, 08/04/2016
Cảnh tượng hoang tàn tại một con phố ở Aleppo
Ngày 8/4, RIA Novosti dẫn lời một bác sĩ đến từ Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại Aleppo cho biết: “Các nạn nhân được đưa tới bệnh viện trong tình trạng co giật và rối loạn do nhiễm khí độc bị cấm sử dụng trên toàn thế giới, chẳng hạn như khí clo.
Trước đó, trả lời phỏng vấn RIA Novosti, một phát ngôn viên người Kurd Syria cho hay, một số trường hợp nhiễm khí độc được ghi nhận sau vụ tấn công bao gồm dân thường và chiến binh người Kurd.
Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) cũng khẳng định với RIA Novosti rằng, một cuộc tấn công bằng khí độc đã xảy ra ở thành phố Aleppo, thủ phủ tỉnh Aleppo, phía tây bắc Syria. Đồng thời, YPG cáo buộc những chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) đã hoạt động dưới sự bảo hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, và tuyên bố sẽ thông báo việc này cho trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria của cả Nga và Mỹ.
Hồi đầu tuần, một nguồn tin quân sự tiết lộ, các phần tử khủng bố cực đoan IS đã sử dụng khí độc trong vụ tấn công nhằm vào căn cứ của quân đội Syria tại thành phố thủ phủ Deir ez-Zor.
Xung đột tại Syria bắt đầu nổ ra từ năm 2011. Giao tranh giữa lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập, trong đó có tổ chức khủng bố IS, diễn ra trong suốt 5 năm trời gây ra nhiều tổn thất về người và cơ sở vật chất.
Ngày 27/2 vừa qua, với lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ bảo trợ, Syria tạm yên tiếng súng sau nhiều nỗ lực đàm phán của các bên nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Tháng 8/2013, một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học chưa từng xảy ra trong quá khứ tại Ghouta, ngoại ô Thủ đô Damascus, đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 dân thường. Lực lượng đối lập và quân đội Syria lên tiếng buộc tội lẫn nhau.
Nhiệm vụ loại bỏ kho vũ khí của Syria đã được đưa ra sau đó. Theo đề nghị của Moscow, Damascus đồng ý đặt vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế.
Tháng 8/2015, HĐBA LHQ cho phép xây dựng một Cơ chế Điều ra Hỗn hợp (JIM) nhằm xác định các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
JIM là cơ chế điều tra chung giữa LHQ và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), đã được HĐBQ thông qua theo nghị quyết số 2235, theo đó sẽ thực hiện điều tra các “cá nhân, thực thể, các nhóm hay các chính phủ có liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học” tại Syria.