Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là "phần nổi"!?

Thế giới - Ngày đăng : 17:33, 29/03/2016

Sau nhiều giờ thương lượng, kẻ khống chế máy bay MSR181 của EgyptAir đã chấp nhận đầu hàng. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn an toàn.

Video chiếc máy bay của EgyptAir hạ cánh sân bay Larnaca

Vụ việc kết thúc sauhơn 5 giờ căng thẳng. Cuối cùng kẻ không tặc đồng ý thả 7 con tin còn lại trên máy bay. Truyền thông quốc gia Cyprus mô tả: tại sân bay Larnaca, không tặc đã ra khỏi máy bay, giơ hai tay lên đầu. Hiện hắn đã bị cảnh sát bắt giữ và tiến hành điều tra.

Sau khi Ngoại trưởng Cyprus đăng thông báo vụ không tặc "đã kết thúc" lên Twitter, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Sherif Fathy xác nhận toàn bộ hành khách và phi hành đoàn an toàn.

Bộ Ngoại giao Cyprus cho biết có sự nhầm lẫn, kẻ bắt cóc chiếc máy bay là Seif Eldin Mustafa, chứ không phải là Ibrahim Samaha như truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin trước đó. Tên này đã yêu cầu phóng thích các tù nhân nữ ở Ai Cập cùng một số đòi hỏi cá nhân khác, Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Cyprus cho biết.

Cơ trưởng lại nghe theo yêu cầu của không tặc, vì sao?

Ngày 29/3, nhiều hãng thông tấn lớn đồng loạt đưa tin: Chuyến bay mang số hiệu MSR181 của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir trong hành trình từ Alexandria tới Cairo bị không tặc khống chế buộc hạ cánh xuống sân bay Larnaca, Cộng hòa Cyprus vào lúc 8h46 giờ địa phương (12h46 Hà Nội).

Trong buổi họp báo được phát trực tiếp trên kênh YouTube của LIVE STREAMING NEWS, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập từ chối tiết lộ tên của không tặc, đồng thời cho biết người này vẫn chưa đưa ra yêu cầu chắc chắn nào.

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Tổng thống Cyprus Nikos Anastasiades

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập. Ảnh: BBC.

 

Giới chức hàng không dân dụng Ai Cập xác nhận, trên máy bay có ít nhất 55 hành khách mang các quốc tịch khác nhau và 7 thành viên phi hành đoàn.

Trước khi diễn ra họp báo, theo BBC, dường như toàn bộ con tin đã được thả, chỉ còn tên không tặc ở lại máy bay. Thế nhưng thông tin sau đó xác nhận vẫn còn 7 người bị khống chế. Tên này ban đầu đồng ý cho phụ nữ và trẻ em rời máy bay, giữ lại tổ bay và 5 người nước ngoài làm con tin.

Trong khi đó, Ibrahim Samaha, ban đầu bị tình nghi là không tặc, đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc. Samaha cho biết ông là một trong số hành khách đã được trả tự do.

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Bức ảnh được cho là không tặc do Sky News Arabia đăng tải, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định được độ xác thực của nó.

Ban đầu, giới chức Cyprus lo ngại nghi phạm có thể có bom. Tuy nhiên, sau đó Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng, khả năng thắt lưng chứa bom của không tặc là giả. Tại buổi họp báo, quan chức Ai Cập cho biết, hiện chưa xác định thuốc nổ trong đai lưng của không tặc là thật hay giả.

Tại thời điểm xảy ra vụ không tặc, truyền thông đồng loạt đưa tin, không tặc mặc áo chứa thuốc nổ và khống chế cơ trưởng Omar El Gamal buộc hạ cánh xuống sân bay Larnaca, đảo Cyprus. Lực lượng không quân Israel ngay lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao trước khả năng không tặc có thể dùng máy bay Ai Cập tấn công nước này.

Cũng trong buổi họp báo, khi được hỏi tại sao cơ trưởng lại nghe theo yêu cầu của không tặc bởi thắt lưng chứa bom có thể là giả, bộ trưởng hàng không dân dụng Ai Cập cho biết đây là vấn đề sẽ được điều tra sau khi tình hình khẩn cấp kết thúc.

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Hành khách được trả tự do

Video hành khách được không tặc phóng thích

Không tặc bắt cóc máy bay vì động cơ cá nhân!?

Theo truyền thông Cyprus, khả năng nghi phạm thực hiện vụ không tặc vì động cơ cá nhân. Hắn có một người vợ cũ ở Cyprus. Tổng thống Cyprus Nikos Anastasiades cũng nhận định, vụ không tặc không liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.

Trong quá trình thương thảo với tổ bay, không tặc đã ném một bức thư viết bằng tiếng Arab vào khu sân đỗ tàu bay ở sân bay Larnaca, yêu cầu "gửi một lá thư cho một cô gái người Cyprus gốc Hy Lạp", vợ cũ của mình. Sau đó, lực lượng an ninh đã nhanh chóng đưa vợ hắn tới sân bay.

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Một xe cảnh sát chạy qua chiếc máy bay bị không tặc khống chế. Ảnh: AFP

Không tặc cho biết, hắn hơn 20 tuổi và nhận là người Libya. Tuy nhiên, hãng thông tấn quốc gia Ai Cập MENA đưa tin không tặc là công dân nước này và ngồi ở ghế K38. Trong khi đó, trường Đại học Alexandria cho biết không tặc là người đang giảng dạy về thuốc thú y tại trường.

Sân bay thành phố Larnaca tạm ngừng hoạt động. Mọi chuyến bay đến đây được chuyển hướng tới thành phố Paphos.

Guardian dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Ai Cập: “Anh ta không phải là khủng bố, mà chỉ là một tên ngốc. Khủng bố bị điên nhưng chúng không ngốc”. Họ cũng cho biết đã nhận được thông tin không tặc xin tị nạn ở Cyprus và muốn thảo luận với vợ cũ.

Vụ bắt cóc máy bay Ai Cập: Đặc vụ MSR181 kết thúc, song chỉ là

Lộ trình bay của chiếc MSR181

An ninh hàng không Ai Cập bị đe dọa

EgyptAir, thành lập năm 1933, là hãng hàng không lớn thứ hai ở châu Phi. EgyptAir chuyên vận chuyển hành khách và hàng hóa tới hơn 75 điểm đến tại các nước Trung Đông, châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ.

Năm 1985, một máy bay của hãng từng bị không tặc khống chế ở Malta.

Sự cố mới nhất này sẽ là một đòn cay đắng đối với danh tiếng của ngành hàng không Ai Cập vốn được đánh giá là an toàn. Trước đó, vào ngày 31/10/2015, chiếc máy  bay chở khách của hãng hàng không Metrojet (Nga) đã bị rơi ở bán đảo Sinai, khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố chịu trách nhiệm vụ này.

Đến nay, câu hỏi về động cơ của kẻ bắt cóc máy bay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, dù rằng lý do "tình cảm cá nhân" có vẻ như đã rất rõ ràng. Bên cạnh đó, Ngài Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập còn nợ báo giới câu trả lời, vì sao cơ trưởng chấp nhận yêu cầu của không tặc, và chịu thương lượng đến cùng, trong khi nhiều khả năng chất nổ ở đai lưng chỉ là giả? Hoặc nếu đó là chất nổ thật, thì tại sao nó lại "qua mặt" được bộ phận an ninh?

Vụ không tặc "đã kết thúc", nhưng dường như đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm!

Trong khi kênh YouTube LIVE STREAMING NEWS phát trực tiếp buổi họp báo, nhiều người dùng đưa ra những lời bình luận tỏ thái độ lo ngại về vấn đề an ninh ở châu Âu.

Điển hình như: “Như thể theo dõi trận thi đấu bóng đá vậy”. “Vụ tấn công khủng bố ở Pháp (thảm họa Paris, ngày 13/11/2015) thực sự đã thay đổi suy nghĩ của tôi”. “Lịch sử sẽ ghi nhận giai đoạn này, với sự sụp đổ của châu Âu”.

Minh Thi