Ngân hàng Bangladesh mất 81 triệu USD vì lỗi máy in

Thế giới - Ngày đăng : 16:24, 17/03/2016

Một lỗi trên máy in tại ngân hàng trung ương nước này khiến một loạt nghi vấn của các ngân hàng nước ngoài gửi tới Ngân hàng Bangladesh (BB) liên quan đến các giao dịch khả nghi đã không nhận được câu trả lời.

Hậu quả là 81 triệu USD đã bị đánh cắp, gây ra một cú "sốc" trong giới ngân hàng.

Báo cáo kể lại chi tiết các sự kiện dẫn tới việc phát hiện vụ đánh cắp kinh hoàng từ một tài khoản ở nước ngoài của BB, theo đó, do một vấn đề phần mềm và máy in, BB đã phải mất 4 ngày để đề nghị các ngân hàng trên toàn cầu ngừng thanh toán tiền cho tin tặc. Bọn đánh cắp đã cố rút 1 tỷ USD nhưng chỉ lấy được 81 triệu USD từ ngân khố nước này.

Theo báo cáo trên, tin tặc đã ra lệnh chuyển khoản tự động 81 triệu USD vào Thứ Sáu ngày 5/2 (khi Ngân hàng trung ương Bangladesh đóng cửa) từ tài khoản của BB tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York tới các tài khoản ở Philippines. Một ngày sau, các kỹ sư Bangladesh mới sửa chữa được máy in và trong thời gian này, ngân hàng ở New York đã gửi BB một loạt câu hỏi về 4 giao dịch khác nhau mà không nhận được lời đáp.

Ngày 6/3, BB cố gắng liên lạc với ngân hàng ở New York bằng thư điện tử, fax và điện thoại để đề nghị chặn các giao dịch trên sau khi phát hiện hệ thống tin nhắn liên ngân hàng SWIFT không hoạt động bình thường. Nhưng các nỗ lực của họ đều vô ích vì ngân hàng ở New York không làm việc trong hai ngày cuối tuần. Phải đến chiều Thứ Hai ngày 14/3, máy chủ của BB mới hoạt động bình thường và các nhân viên mới có thể gửi các đề nghị chính thức tới 6 ngân hàng trên toàn cầu, đề nghị ngừng thanh toán. Nhưng trong thời gian này, 81 triệu USD đã được chuyển thành công từ tài khoản của BB ở New York tới một ngân hàng ở Philippines. Một ủy ban Thượng viện Philippines cho biết số tiền trên sau đó đã được chuyển vào một tài khoản của doanh nhân gốc Trung Quốc William So Go. Một giao dịch khác trị giá 20 triệu USD đã được một ngân hàng ở Sri Lanka chặn lại theo đề nghị của BB.

Thống đốc BB Atiur Rahman và hai Phó Thống đốc đã bị cách chức sau vụ bê bối trên. Ngày 16/3, Chính phủ Bangladesh cũng đã cách chức quan chức ngân hàng cấp cao nhất, ông M. Aslam Alam. Vụ việc đã gióng hồi chuông cảnh báo về an ninh đối với quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 27 tỷ USD của Bangladesh.

Bộ Tài chính Bangladesh A.M.A. Muhith dọa kiện ngân hàng ở New York. Về phần mình, ngân hàng này ra tuyên bố khẳng định các thông tin thanh khoản "đã được xác nhận đầy đủ bởi hệ thống tin nhắn SWIFT, phù hợp với các nghị định thư xác nhận tiêu chuẩn".

TG