Quân đội Syria bị "tố" thả bom thùng chứa khí clo chống dân thường
Thế giới - Ngày đăng : 11:46, 02/03/2016
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon, quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm chống lại dân thường kể từ khi bắt đầu thỏa thuận ngừng bắn
Thỏa thuận đình chiến đạt được hôm 22/2 tại Munich hay Tuyên bố chung Mỹ - Nga về Syria - dưới sự bảo trợ của Nga và Mỹ - chính thức có hiệu lực vào lúc 5h00 sáng 27/2 vừa qua (theo giờ Hà Nội) nhằm “dọn đường” cho mục đích chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua tại Syria. Tuy nhiên, bản thỏa thuận không không áp dụng với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận al-Nusra thân al-Qaeda, cùng các nhóm khác bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc coi là tổ chức khủng bố.
Phát biểu tại hội nghị do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng New Tech tổ chức tại Airport City, gần Thủ đô Tel Aviv (Israel) ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết: “Quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học ở cấp độ quân sự và sau đó dùng các nguyên liệu, khí độc clo nhằm chống lại dân thường, kể cả những ngày rất gần đây, sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel, lực lượng chính phủ đã thả những quả bom thùng chứa khí độc clo xuống các khu vực có dân thường. Tuy nhiên, ông Moshe Yaalon không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, ngày 28/2, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bày tỏ thái độ hoan nghênh những nỗ lực của bản thỏa thuận ngừng bắn Syria, song ông cũng cảnh báo Jerusalem có thể vẫn tiến hành các vụ tấn công vào quốc gia Arập láng giềng để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia của Israel.
Năm 2014, một phái đoàn tìm hiểu tình hình thực tế thuộc Tổ chức Giám sát Vũ khí Hóa học Toàn cầu (OPCW) đã kết luận rằng, khí độc clo được sử dụng một cách “có hệ thống” trong cuộc nội chiến Syria, thậm chí sau khi nước này đã từ bỏ kho vũ khí độc hại của mình, Reuters cho biết.
Tuy nhiên, cả lực lượng chính phủ lẫn phe nổi dậy đều bác bỏ việc sử dụng các bom thùng chứa khí clo, mà OPCW cho là đã được ném từ máy bay trực thăng xuống mặt đất. Theo OPCW, Lực lượng Không quân Syria không phải là bên duy nhất trong cuộc xung đột được biết có máy bay trực thăng.
Reuters cho biết thêm, hiện một phái đoàn chung gồm các chuyên gia của Liên hiệp quốc và OPCW đang điều tra xem bên nào phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hóa học này.