Tin tức thế giới 24 giờ: Nga cắt giảm chi tiêu quốc phòng do cạn kiệt tài chính
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 24/02/2016
Nga cắt giảm chi tiêu quốc phòng do cạn kiệt tài chính
Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu
Trong khi các chính phủ khắp Châu Âu đổ thêm tiền vào ngân sách quốc phòng, thì Nga lại có thể phải cắt giảm 5% chi tiêu quốc phòng vì nền kinh tế chật vật do giá dầu giảm sâu. Theo đó, Nga có thể phải cắt giảm khoảng 1,3 tỉ USD cho việc mua sắm quốc phòng.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, không thể xác nhận thông tin về cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Việc xây dựng sức mạnh và hiện đại hoá quân đội vẫn là một nền tảng trong chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Putin.
Syria nhất trí ngừng các chiến dịch quân sự
Chính quyền Syria ngày 23/2 cho biết, chính phủ sẽ ngừng các chiến dịch quân sự chống các nhóm nổi dậy, tuy nhiên sẽ tiếp tục tấn công các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận A-Nusra (chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria) cũng như các nhóm có liên quan.
Trước đó, Mỹ và Nga kêu gọi lực lượng của ông Assad và các nhóm đối lập ngừng giao tranh từ trưa 26/2. Thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ lúc 0g ngày 27/2.
Thỏa thuận ngừng bắn được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho là “tín hiệu của hi vọng”. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo nhiều khả năng thỏa thuận sẽ sụp đổ trong những ngày tới do tình hình trên chiến trường Syria quá phức tạp.
Bị gạt ra khỏi hội nghị về vấn đề di cư, Hi Lạp phản đối kịch liệt
Bộ Ngoại giao Hy Lạp ngày 23/2 cho biết, việc Áo gạt nước này khỏi hội nghị bàn về vấn đề người di cư ở Balkan dự kiến diễn ra vào giữa tuần này tại Thủ đô Vienna của Áo là một hành động một chiều và thiếu thân thiện. Bên cạnh đó, Hy Lạp chỉ trích Áo đã hủy hoại những nỗ lực nhằm tìm kiếm phản ứng chung của toàn châu Âu đối với vấn đề người di cư khi gạt ra những nước thành viên EU có quan điểm cứng rắn.
Hội nghị bàn về vấn đề di cư có tên gọi "Cùng nhau quản lý vấn đề nhập cư", sẽ diễn ra ngày 24/2. Hiện tại, Áo mới chỉ mời các bộ trưởng ngoại giao và nội vụ của các nước Albania, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia và vùng lãnh thổ Kosovo.
IS đối mặt với khó khăn tài chính
Những chiến binh IS
Theo các quan chức Mỹ, hệ thống tài chính của Tổ chức Hồi giáo Nhà nước (IS) tự xưng đang gặp khó khó do giá dầu đi xuống và các cuộc không kích nhằm vào các khu sản xuất dầu mỏ và các kho tiền mặt, buộc tổ chức này phải cắt giảm lương trả cho thành viên và hạn chế mua vũ khí cũng như đạn dược.
Theo ước đoán của các quan chức Mỹ, IS đã mất trên 100 triệu USDtrong các cuộc không kích. Khó khăn về tài chính khiến IS phải cắt giảm chi tiêu, giảm lương và cắt các khoản phụ cấp của nhân viên.
Trong một diễn biến liên quan, phát ngôn viên của Đảng dân chủ người Kurd, Saeed Mamousini cho biết, đã có hơn 100 chiến binh của IS trốn thoát khỏi Mosul, Iraq do không nhận được tiền lương trong hơn 3 tháng.