Ý đồ của Trung Quốc triển khai tên lửa tại Hoàng Sa
Thế giới - Ngày đăng : 18:57, 19/02/2016
Trung Quốc được cho là đã triển khai hai khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên một hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông. Kênh truyền hình DW (Đức) đã có bài phỏng vấn với nhà phân tích Neil Ashdown, Phó Tổng Biên tập tạp chí “IHS Jane's Intelligence Review” về khả năng của các khẩu đội này và lý do tại sao chúng gây quan ngại?.
Ảnh chụp một bãi biển trên đảo Phú Lâm trong hai ngày 14/2 và 3/2. Ảnh: ISI
Dẫn nguồn các ảnh chụp từ vệ tinh dân sự, kênh truyền hình Mỹ “Fox News” hôm 16/2 đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến tới một trong các các hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông. Thông tin này, dựa trên các hình ảnh vệ tinh của công ty ImageSat International, cho biết các tên lửa có vẻ là thuộc hệ thống phòng không HQ-9. Các quan chức Mỹ và Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó được dẫn lời cho biết các khẩu đội tên lửa này được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền, kể từ giữa những năm 1970 và sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách giảm nhẹ tính nghiêm trọng của bài báo và cáo buộc truyền thông thổi phồng sự việc. Tuy nhiên, Đô Đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã nói với các phóng viên rằng động thái như vậy sẽ đặc trưng cho hành động “quân sự hóa” các vùng biển tranh chấp theo cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ không làm như vậy.
Trung Quốc từng khẳng định rằng, bất kỳ hành động triển khai tên lửa nào trong lãnh thổ của họ sẽ đều mang tính hợp pháp. Theo nhà phân tích Ashdown, có thể việc triển khai ở thời điểm hiện tại là nhằm gửi một thông điệp đến Mỹ và các bên tranh chấp khác trên Biển Đông, sau các hoạt động để duy trì tự do hàng hải do các tàu hải giám của Mỹ tiến hành hồi tháng 10/2015 và tháng 1/2016. Thông điệp ở đây đó là Trung Quốc có khả năng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ với các hòn đảo và rạn san hô, với ngụ ý rằng Bắc Kinh cũng coi trọng việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển chưa được vạch rõ hoàn toàn ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc cũng tạo ra các thế “sự đã rồi” trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết về các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, theo kế hoạch vào tháng 6/2016.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: ausairpower.net
Lý giải việc tại sao Trung Quốc lại triển khai hệ thống tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải một trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà phân tích Ashdown cho rằng quần đảo Hoàng Sa gần với Trung Quốc đại lục hơn bởi vậy Bắc Kinh có thể coi hành động này mang tính ít khiêu khích hơn.
Mặc dù các công cuộc cải tạo đất đá đã được tiến hành trên đảo Phú Lâm, song đây cũng là một hòn đảo theo đúng pháp luật quy định, có nghĩa là vị thế của đảo này ít gây tranh cãi hơn một số thực thể mà Trung Quốc đã mở rộng trên quần đảo Trường Sa, ví dụ như Đá Subi, vốn bị nhấn chìm dưới nước khi thủy triều dâng trước khi hoạt động cải tạo được tiến hành.
Đề cập đến hệ thống phòng không HQ-9, chuyên gia Ashdown cho biết HQ-9 là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) thế hệ thứ tư. Mặc dù không phải là hệ thống SAM tối tân nhất trên thế giới, song nếu nó thực sự được triển khai trên đảo Phú Lâm thì có thể đây sẽ là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất hiện nay được triển khai trên một hòn đảo ở Biển Đông. HQ-9 có khả năng đối phó với một loại máy bay, bao gồm cả chiến đấu cơ. Hệ thống này tương tự hệ thống S300 của Nga song Trung Quốc được cho là đã phát triển các biến thể khác nhau của hệ thống này với tầm xa lên tới 230 km.
Chuyên gia Ashdown cho rằng việc triển khai hệ thống HQ-9 tương thích với chiến lược quân sự hóa dần dần trên Biển Đông. Theo chiến lược này, Trung Quốc lợi dụng các hoạt động ngoại giao và quân sự của các bên tranh chấp và Mỹ để biện minh cho việc gia tăng số lượng và tính hiệu quả của các hệ thống quân sự triển khai trên các đảo. Ví dụ trong năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị đặt các hệ thống phòng không tầm ngắn trên quần đảo Trường Sa.
Phân tích hình ảnh vệ tinh của IHS Jane’s về Đá Châu Viên mà Trung Quốc kiểm soát trên quần đảo Trường Sa hồi tháng 1/2016 cho thấy nước này đã xây dựng các bệ thềm mà có thể sẽ được sử dụng cho các hệ thống phòng thủ tầm ngắn như vậy. Phân tích này cho rằng nếu Trung Quốc thực sự triển khai hệ thống SAM thế hệ thứ tư trên Biển Đông, thì điều này sẽ đặc trưng cho hành động leo thang quân sự nghiêm trọng trong các biện pháp như triển khai các hệ thống phòng thủ tầm ngắn hơn và tăng cường các chuyến viếng thăm của các máy bay quân sự tới các đảo. Tuy nhiên, đối với Mỹ và các nước khác, ở góc độ quân sự, việc triển khai này vẫn ít mang tính nghiêm trọng hơn việc triển khai các hệ thống như tên lửa hành trình chống hạm loại YJ.
Nhà phân tích Ashdown cho rằng trong ngắn hạn, Mỹ và các bên tranh chấp sẽ lên tiếng chỉ trích động thái này và cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - điều mà Bắc Kinh sẽ bác bỏ. Nếu nhìn rộng hơn, việc triển khai này- nếu được khẳng định- sẽ cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch áp dụng quan điểm kiên quyết hơn với các tuyên bố hàng hải trên Biển Đông trong năm 2016 so với những gì họ đã thực hiện trong năm 2015. Điều này sẽ làm phức tạp các tiến trình ngoại giao trong khu vực, đặc biệt xung quanh phán quyết của PCA được dự kiến đưa ra vào tháng 6 tới, với việc các nước trong khu vực có thể sẽ đặt câu hỏi rằng họ sẽ sẵn sàng theo đuổi các tranh chấp với Bắc Kinh đến mức độ nào.