Chìm thuyền trên đường tìm "giấc mơ châu Âu", 40 người thiệt mạng
Thế giới - Ngày đăng : 23:14, 30/01/2016
Xác nạn nhân chiếc thuyền bị chìm ở ngoài khơi bờ biển thị trấn Ayvacik sáng 30/01/2016 bị dạt vào bãi đá
Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức địa phương và hãng thông tấn Dogan (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, con thuyền dài khoảng 17m, chở ít nhất 120 người bị chìm ngoài khơi bờ biển thị trấn Ayvacik - nằm đối diện với đảo Lesbos của Hy Lạp, tỉnh Canakkale (Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong số 40 nạn nhân xấu số có ít nhất 5 trẻ em. 75 người được cứu thoát đã nhập viện do tụt thân nhiệt. Theo hãng tin Dogan, đây là những người di cư gốc Syria, Afghanistan và Myanmar.
Ông Mehmet Unal Sahin, thị trưởng Ayvacik, trao đổi qua điện thoại với phóng viên kênh tin tức CNNTurk: “Các thợ lặn vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm. Tôi sợ rằng số người chết sẽ tăng lên”.
“Người dân địa phương bị đánh thức bởi tiếng la hét thất thanh của những người di cư. Công tác cứu hộ đã được tiến hành từ lúc bình minh. Bờ biển nằm đối diện đảo Lesbos dài đến 80km, rất khó để có thể kiểm soát”, ông Sahin nói thêm.
Xác một em nhỏ bị sóng đánh dạt vào bãi đá
Một hình ảnh thương tâm khác về vụ chìm thuyền
Hơn một triệu người di cư và tị nạn đã đến châu Âu vào năm ngoái. Khoảng 3.600 người đã chết hoặc mất tích.
Cũng trong năm 2015, khoảng 2,5 triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm ở Syria để đến Thổ Nhĩ Kỳ. 500.000 người đã liều mình vượt biển tới Hy Lạp.
Cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng buộc các nước Liên minh châu Âu (EU) phải tạm ngưng Hiệp ước miễn thị thực Schengen trong 2 năm.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện đang chịu áp lực phải ngăn chặn dòng người di cư. Mùa hè năm ngoái, bà chính là người nhanh chóng quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột Syria.
Phát biểu tại cuộc họp các thành viên Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức ngày hôm nay, bà Merkel nhấn mạnh rằng, họ chỉ được phép lưu lại trong một khoảng thời gian hạn chế. Bà nêu rõ, đây chỉ là “tình trạng cư trú tạm thời”, và “một khi hòa bình lập lại ở Syria, một khi IS đã bị đánh bại ở Iraq”, những người di cư sẽ phải quay trở về đất nước mình.
Còn Hy Lạp, dưới sức ép của Ủy ban châu Âu (EC), dự kiến sẽ thành lập 4 - 5 trung tâm “điểm nóng” để xử lý vấn đề người tị nạn vào khoảng giữa tháng Hai, Bộ trưởng di trú Yiannis Mouzalas trả lời tờ Der Standard của Áo xuất bản ngày 30/01 cho biết.