Vàng đen tuột dốc, Rúp Nga chao đảo rơi vào vòng xoáy giảm điểm

Thế giới - Ngày đăng : 20:13, 21/01/2016

Ngày 20/01, đồng Rúp đã lập đáy mới, thấp hơn mức mà đồng nội tệ Nga từng trải qua trong đợt sụt giảm mạnh vào tháng 12/2014, AFP cho biết.

Vàng đen tuột dốc, Rúp Nga chao đảo rơi vào vòng xoáy giảm điểm

Một đồng Rúp Nga trước cửa Điện Kremlin. Ảnh: AFP

Sau một ngày tương đối ổn định, đồng Rúp tiếp tục rơi vào vòng xoáy giảm điểm khi giá dầu thô lao dốc, lập đáy mới trong vòng 12 năm trở lại đây.

Theo AFP, trong phiên giao dịch ngày 20/1, tỷ giá đồng Rúp so với USD giảm 3,2%, còn 81,07 Rúp đổi 1USD. Mức đáy này đã phá vỡ mức thấp kỷ lục 80,1 Rúp / 1USD xác lập ngày 16/12/2014.  So với đồng Euro, đồng Rúp cũng suy yếu, chạm mức đáy trong đợt sụt giảm tháng 12/2014 với 89 Rúp / 1 Euro.

Tuy nhiên, nếu như tại thời điểm tháng 12/2014 khi thị trường tài chính Nga chao đảo mạnh, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR Bank) quyết định nâng lãi suất lên 17% trong một đêm để cứu tỷ giá, thì lần này họ lại “từ chối can thiệp”.

Ngày 20/01, CBR Bank cho biết chưa xem xét việc tăng lãi suất để ngăn đà giảm giá của đồng Rúp, đồng thời khẳng định “việc điều chỉnh giá thị trường hiện đang diễn ra suôn sẻ”. Tuy nhiên, nếu đà giảm tiếp tục kéo dài, áp lực đối với CBR Bank sẽ ngày càng tăng.

Giá dầu lao dốc, Rúp Nga suy yếu

Tại phiên giao dịch rạng sáng 21/1, giá dầu tiếp tục lao dốc. Giá dầu giao tháng 2 trên thị trường New York giảm 1,91USD xuống còn 26,55 USD/thùng. Thế nhưng, giới phân tích dự đoán khả năng giá dầu lập đáy mới là hoàn toàn có thể, bởi tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn.

Trong khi báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ ghi nhận mốc mới trong nguồn dự trữ dầu - 485,2 triệu thùng (tăng 4,6 triệu thùng trong tuần qua), thì sự trở lại của “ông lớn” Iran trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hôm 16/01 là một dấu hiệu hết sức đáng lo ngại đối với giá vàng đen.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt, với hơn một nửa ngân sách từ xuất khẩu hai nguồn năng lượng này. Trong suốt 18 tháng qua, giá dầu liên tục xuống thấp, cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow do cáo buộc có liên quan đến xung đột ở miền đông Ukraine, khiến đồng Rúp liên tục biến động.

Vàng đen tuột dốc, Rúp Nga chao đảo rơi vào vòng xoáy giảm điểm

Giá đồng Rúp trong phiên giao dịch ngày 20/01

Từ đầu năm, đồng Rúp đã mất 12% so với USD. Trong khi đó, với bản dự toán ngân sách 2016 được tính toán dựa trên giá dầu Ural là 50 USD/thùng, thì tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ rúp38,6 tỷ USD) trong năm nay, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết.

Như vậy, nếu giá dầu tiếp tục đà giảm, thời kỳ khó khăn đối với nền kinh tế Nga sẽ còn kéo dài. Các cam kết chi tiêu xã hội của chính phủ sẽ trở nên khó thực hiện hơn, và khả năng mua các loại thực phẩm, hàng hóa nhập khẩu cũng giảm theo.

Gần đây, chính phủ Nga thừa nhận sẽ phải cắt giảm chi tiêu công để duy trì mức thâm hụt dưới 3% GDP do giá dầu giảm. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/01 đã hạ triển vọng kinh tế Nga, dự báo nước này sẽ suy giảm 1% trong năm nay.

“Ngay cả một người dân bình thường cũng có thể hiểu, nếu đồng Rúp giảm, giá sẽ tăng lên và cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn”, Igor Nikolaev, Giám đốc của FBK Grant Thornton Viện Phân tích chiến lược cho biết.

Thế nhưng, dự báo kinh tế bi quan này có vẻ như không khiến “người đàn ông thép” của xứ sở Bạch Dương nao núng. Mặc dù trong tình trạng kinh tế khủng hoảng, cấm vận, trừng phạt bủa vây, song với đường lối cứng rắn, chính sách ngoại giao khôn khéo, Tổng thống Vladimir Putin từng bước lập lại vị thế nước Nga trên trường quốc tế, khôi phục nền kinh tế Nga ổn định và tương đối thịnh vượng. Thậm chí, ông chủ Điện Kremlin còn bày tỏ sự lạc quan và cho biết đồng Rúp yếu đi mở ra nhiều cơ hội hơn cho nước Nga.

Minh Thi