Xem mặt “Quái vật bầu trời” của Không quân Mỹ

Thế giới - Ngày đăng : 07:29, 16/01/2016

Quái vật bầu trời” B-52 - đỉnh cao công nghệ hàng không vào những năm 1950, cho đến nay vẫn được xem là vũ khí chiến lược trong “chiếc ô hạt nhân” của Không quân Mỹ.

Xem mặt “Quái vật bầu trời” của Không quân Mỹ

Một chiếc B-52 Stratofortress bay từ căn cứ Anderson trên đảo Guam tới căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Ngày 10/01, Mỹ điều B-52 Stratofortress từ căn cứ Anderson trên đảo Guam tới căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Động thái này không chỉ nhằm đáp trả tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên hôm 06/01, mà còn nhằm thể hiện sức mạnh và khả năng liên minh Mỹ - Hàn như lời khẳng định của Tướng Curtis Scaparotti - người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Sự việc không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, song được coi là “sớm” và “bất ngờ” - tức là chỉ 4 ngày sau vụ thử bom H. Còn nhớ, phải đến 30 ngày sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm 2013, Washington mới điều máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay ném bom tàng hình B-2 tới bán đảo Triều Tiên nhằm “thị uy” và “dằn mặt” đối thủ.

Mệnh danh “Pháo đài bay”, B-52 - đỉnh cao công nghệ hàng không thập niên 1950 - cho đến nay vẫn được xem là một trong những vũ khí chiến lược của Không quân Mỹ. Đây là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.

Xem mặt “Quái vật bầu trời” của Không quân Mỹ

Chiếc B-52H cùng dàn vũ khí

B-52 trải qua hai giai đoạn phát triển chính, từ một máy bay ném bom chiến lược 6 động cơ turbine cánh quạt (Model 462) cho đến 8 động cơ phản lực (Model 464-49) có khả năng tấn công hạt nhân. Sau nhiều năm nghiên cứu và cải tiến, Model 464-67 ra đời, định danh XB-52 - nguyên mẫu đầu tiên của B-52. XB-52 lần đầu cất cánh vào ngày 15/4/1952.

Phiên bản được đưa vào sản xuất đầu tiên là B-52A, song chỉ dùng trong thử nghiệm. Còn phiên bản hoạt động đầu tiên là B-52B, được phát triển song song với nguyên mẫu từ năm 1951, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1954.

Đến năm 1955, Không quân Mỹ chính thức đưa B-52 vào phục vụ thay cho Convair B-36 và Boeing B-47. Được Lực lượng Chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ coi là phương tiện răn đe hạt nhân chủ lực, B-52 đã tham gia nhiều cuộc xung đột toàn cầu trong suốt hơn 50 năm qua.

Trải qua 8 lần cải tiến và nâng cấp, kể từ nguyên mẫu XB-52 đầu tiên, tổng cộng 744 chiếc đã B-52 xuất xưởng. Các phiên bản của B-52 Stratofortress bao gồm: XB-52, YB-52, B-52A, NB-52A, B-52B, RB-52B, NB-52B, B-52C/RB-52C, B-52D, B-52E, NB-52E, B-52F, B-52G, B-52H.

Xem mặt “Quái vật bầu trời” của Không quân Mỹ

B-52 được hộ tống bay tới Hàn Quốc sau vụ thử bom H của Triều Tiên

B-52 có chiều dài thân 48,5m, sải cánh 56,4m, nặng 221,35 tấn và có thể bay liên tục trong hành trình tối đa 16.000km. Nó có thể hoạt động trong phạm vi bán kính trên 6.400km, mang tối đa 31 tấn bom.

 “Quái vật bầu trời” B-52 được trang bị bom bunker-buster có khả năng phá hủy cơ sở ngầm dưới lòng đất. Nó có thể xâm nhập từ trên không ở độ cao tối đa khoảng 16,8km. Trên chiếc Pháo đài bay này, quân đội Mỹ còn lắp đặt 35 quả bom nặng 907kg, 12 quả tên lửa, tên lửa hạt nhân không đối đất tầm xa 200km và tên lửa tên lửa hành trình AGM-86B có thể tấn công từ xa với cự ly 2.500km - 3.000km.

Cho đến nay, B-52 Stratofortress là máy bay quân sự có thời gian phục vụ lâu nhất trên thế giới. Mặc dù theo dự kiến sẽ hoàn toàn nghỉ hưu vào năm 2030, nhưng với phiên bản nâng cấp đầu tiên có tên mã CONECT, B-52 sẽ tiếp tục phục vụ Không quân Mỹ cho tới năm 2040.

Là vũ khí chiến lược trong “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, uy lực của B-52 cũng được xem như “đòn tâm lý” nhằm răn đe đối phương. Và do vậy, tiếp sau việc nối lại chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh của Seoul, theo các chuyên gia, quyết định sử dụng Pháo đài bay B-52 chính là biện pháp rắn nhằm phủ đầu và ngăn chặn Triều Tiên trước hành động “khiêu khích trắng trợn” - tuyên bố tiến hành thành công thử bom H hôm 06/01 vừa qua.

Trong ký ức người dân Việt Nam, B-52 gắn liền với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày đêm. Vốn được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” không thể bị bắn hạ, sự kiện “Hà Nội 12 ngày đêm” đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi 34 chiếc B-52 bị thất bại trước sức mạnh đoàn kết và tinh thần chiến đấu quật cường của quân dân Thủ đô.

 

Nhật Minh