Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên: Quan ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh với Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 19:23, 08/01/2016
Dưới đây là một số nội dung hỏi-đáp về những gì mà Lầu Năm Góc gọi là “hành động khiêu khích vô trách nhiệm và không thể chấp nhận” làm đe dọa hòa bình ở châu Á.
Người dân Triều Tiên lắng nghe thông báo về vụ thử hạt nhân mới nhất. Ảnh:Reuters
Vụ thử vũ khí hạt nhân này - nếu được xác nhận - sẽ là vấn đề lớn bởi vì điều đó đồng nghĩa rằng Triều Tiên đang trên đường tiến tới sở hữu một loại bom có khả năng công phá lớn hơn các loại bom mà họ từng sử dụng trong ba vụ thử hạt nhân dưới lòng vào năm 2006, 2009 và 2013. Nếu Triều Tiên triển khai loại vũ khí như vậy, được biết với cái tên bom nhiệt hạch hoặc bom khinh khí (bom H), thì họ có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến kéo dài để tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ - vốn đã ký hiệp ước bảo vệ Hàn Quốc - phải đưa ra quyết định cứng rắn, có thể dùng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Mặt khác, Triều Tiên được cho là đã sở hữu một số bom nguyên tử và đang phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Về khả năng Triều Tiên đang "lừa bịp" thế giới về việc thử bom nhiệt hạch, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest ngày 6/1 nói rằng những phân tích trước đó của Mỹ về vụ nổ bom dưới lòng đất “không tương thích” với tuyên bố của Triều Tiên rằng họ đã thử thành công bom nhiệt hạch. Các phân tích độc lập cũng bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Bình Nhưỡng. Anthony Cordesman – chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - cho rằng Triều Tiên có thể đã tiến hành thử vũ khí nguyên tử được cải tiến, chứ không phải bom H, như một cách để tổ chức lễ sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Sự khác biệt giữa bom hạt nhân và bom nhiệt hạch là ở cách mà chúng giải phóng năng lượng. Bom hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Bom H lấy năng lượng từ quá trình nhiệt hạch mà ở đó hạt nhân được tổng hợp chứ không phải phân rã. “Bom H” trên thực tế là loại bom kép, tức là nó tiến hành nổ một thiết bị hạt nhân “thứ nhất” gồm plutoni hoặc urani được làm giàu ở cấp độ cao để “làm mồi” cho thiết bị “thứ hai” gồm các chất đồng vị hydro. Bản thiết kế chi tiết của bom khinh khí là tài liệu được chính phủ Mỹ đóng dấu tuyệt mật. Bom nhiệt hạch có sức công phá lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử. Robert Norris - một nhà nghiên cứu lịch sử hạt nhân - đưa ra so sánh như sau: Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) hồi tháng 8/1945 giải phóng khoảng 15 kiloton, trong khi một quả bom nhiệt hạch giải phóng 1000 kiloton.
Để biết liệu có phải Triều Tiên đã thử bom nhiệt hạch hay không, Mỹ và cộng đồng quốc tế có nhiều cách để phân tích một vụ nổ dưới lòng đất, bao gồm việc sử dụng máy đo địa chấn. Lực lượng Không quân Mỹ cũng có máy bay được trang bị thiết bị phát hiện vụ nổ hạt nhân và một hệ thống phát hiện các vụ nổ hạt nhân toàn cầu có tên gọi Hệ thống Phát hiện năng lượng hạt nhân Mỹ, có thể phát hiện các hoạt động hạt nhân dưới đất, dưới biển, trong bầu khí quyển và trên vũ trụ.
Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện của Liên hợp quốc cũng có các trạm giám sát trên khắp thế giới, đã từng phát hiện các đồng vị phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Lassina Zerbo - người đứng đầu trung tâm này - cho biết các máy phát hiện phóng xạ đang tìm kiếm các đồng vị phóng xạ từ vụ nổ hôm 6/1 để xác định xem có phải Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không, và liệu có phải đó là bom nhiệt hạch như Bình Nhưỡng tuyên bố hay không.
Còn để giải tỏa nghi ngờ về kỹ năng kỹ thuật cần thiết để chế tạo bom nhiệt hạch của Triều Tiên, người ta có thể so sánh thời gian cần thiết để các cường quốc hạt nhân khác phát triển từ bom nguyên tử lên bom nhiệt hạch. Đối với Mỹ, quốc gia hàng đầu trong cả hai lĩnh vực, thời gian cần thiết là 87 tháng, hay hơn 7 năm, tính từ thời điểm vụ thử bom nguyên tử đầu tiên năm 1945 đến vụ thử bom khinh khí đầu tiên năm 1952. Ông Norris cho biết Trung Quốc cần thời gian là 32 tháng, hay chưa đầy 3 năm. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 - bị một số cho là không thành công. Như vậy, Triều Tiên đã tiến hành công cuộc này trong vòng ít nhất 10 năm.
Về cách thức tự vệ của Mỹ trong trường hợp Triều Tiên thực sự có được vũ khí hạt nhân có thể gắn vào tên lửa tầm xa, Lầu Năm Góc đã thành lập khẩu đội tên lửa, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa tầm xa trước khi chúng vào lãnh thổ Mỹ, và hệ thống này được thiết kế đặc biệt để chống lại các tên lửa được phóng từ Triều Tiên. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể phỏng đoán về hiệu quả của hệ thống đánh chặn này. Các tên lửa đánh chặn này được đặt trong các hầm dưới lòng đất tại Pháo đài Greely, Alaska và căn cứ Không quân Vandenberg, California. Tuy nhiên, các tên lửa chưa bao giờ được sử dụng trong các trận đánh.