Phản ứng của các nước sau vụ máy bay Trung Quốc bay thử nghiệm ở Bãi Chữ Thập

Thế giới - Ngày đăng : 19:15, 08/01/2016

Trong những ngày đầu năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành ba chuyến bay thử nghiệm đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Động thái này vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 7/1, Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng hành động này làm gia tăng căng thẳng và kích động bất ổn trong khu vực. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết ba máy bay dân sự được cho là đã đáp xuống một trong các đảo trên Biển Đông. Tuyên bố này khẳng định thông tin mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra, đó là ba máy bay dân sự đã đáp xuống đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Phản ứng của các nước sau vụ máy bay Trung Quốc bay thử nghiệm ở Bãi Chữ Thập

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông - Ảnh: EPA

Ông Peter Cook nói: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại về các chuyến bay này… và chúng tôi quan ngại về tất cả những hành động đang được Trung Quốc tiến hành trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Tất cả những hành động của bất kỳ quốc gia nào nhằm cố gắng gia tăng căng thẳng trên các đảo tranh chấp, cũng như cố gắng quân sự hóa hoặc tham gia vào các hoạt động cải tạo các đảo này đều bị cho là làm gia tăng bất ổn trong khu vực Biển Đông… Chúng tôi kêu gọi các bên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề này ở Biển Đông, và chắc chắn các máy bay này không hề góp phần để thúc đẩy ổn định và sự hiểu biết lẫn nhau ở khu vực đó”.

Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, Anh cũng mạnh mẽ tuyên bố rằng bất kỳ âm mưu nào cản trở quyền tự do hàng hải-hàng không trên Biển Đông sẽ bị xem là hành động nguy hiểm. Phát biểu nhân chuyến thăm Philippines ngày 7/1, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh: “Quyền tự do hàng hải và hàng không là không thể bàn cãi. Đối với chúng tôi, đó là ‘báo động đỏ’”. Tuy nhiên, ông không nêu rõ sẽ đáp trả thế nào một khi có “báo động đỏ” mà chỉ cho biết Anh sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do lưu thông của họ trong khu vực.

Phát biểu trong cùng buổi họp báo với Ngoại trưởng Anh, người đồng cấp Philippines Albert del Rosario nói ông quan ngại rằng các chuyến bay thử nghiệm tới đá Chữ Thập trong tuần này sẽ trải đường cho Trung Quốc tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự hành động trước đó ở Biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Philippines nói: “Nếu hành động này không bị thách thức, Trung Quốc sẽ tiến tới quan điểm rằng họ có thể áp đặt ADIZ, và hành động này đối với chúng tôi, cho dù là trên thực tế hay lý thuyết, cũng không thể nào chấp nhận được”.

Manila đang chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa trọng tài Liên hợp quốc trong vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Rosario khẳng định dù thắng hay thua, Philippines sẽ tuân thủ luật lệ và kỳ vọng Bắc Kinh cũng hành xử như vậy. Ngoại trưởng Anh cho biết London công nhận Tòa trọng tài và sẽ công nhận quyết định của tòa, đồng thời thúc giục các bên tranh chấp giải quyết bất đồng theo luật quốc tế.

Việt Nam - một bên khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - cũng lên tiếng chỉ trích các chuyến bay thử nghiệm này là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, tuyên bố: “Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hoà bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh đã chia sẻ những quan ngại khi đề cập tới việc Bắc Kinh bay thử nghiệm ra đá Chữ Thập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: “Hai bên bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc quân sự hoá các tiền đồn ở Trường Sa và đều đồng ý rằng các hành động này tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singpapore - Trung Quốc đã hoàn thành quy trình xây đảo và bây giờ chuyển sang giai đoạn thử nghiệm, củng cố trang thiết bị trên các hòn đảo. Tình hình sẽ rất xấu với các nước như Việt Nam và Philippines. Nếu so sánh với sự cố giàn khoan Hải Dương-981 hồi năm 2014, sự cố đó xảy ra một lần và giàn khoan được đưa đến rồi chuyển đi. Nhưng các đảo nhân tạo thì ở đó “mãi mãi”. Đây là vấn đề tiếp tục gây căng thẳng cho quan hệ trong khu vực, đặc biệt giữa các nước có tranh chấp Biển Đông trong khu vực như Việt Nam và Philippines. Trong thời gian tới, chúng sẽ tiếp tục là “cái gai” trong quan hệ giữa các nước trên.

Ngoài ra những quốc gia có lợi ích liên quan như Mỹ hay Nhật Bản sẽ coi sự hiện diện của các đảo nhân tạo là một thách thức. Bởi vậy, các nước này sẽ phải gây áp lực với Trung Quốc để kiềm chế các hành động, tham vọng của Trung Quốc; đặc biệt âm mưu dùng các hòn đảo để khống chế các vùng biển trong khu vực, tiến hành quân sự hóa các đảo để phục vụ các ý đồ chiến lược sâu xa hơn của Trung Quốc.

TG