Cuộc chơi nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria
Thế giới - Ngày đăng : 10:38, 03/01/2016
Mặc dù trải qua một thập kỷ có quan hệ nồng ấm với Syria, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang nỗ lực đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc thống trị khu vực. Tình hình tại Syria kể từ khi đó đến nay đã thay đổi rất nhiều - song chiến lược của ông Erdogan thì không.
Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành rào cản ngăn chặn việc giải quyết cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ gây chiến với người Kurd tại Syria- lực lượng chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiệu quả nhất tại đây. Và quốc gia này cũng là nơi tiếp nhận mạng lưới các phần tử thánh chiến có tổ chức, bao gồm cả IS.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thúc đẩy một chính quyền với đa số người Hồi giáo dòng Sunni tại Syria được điều hành bởi một chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo tại địa phương. Điều này sẽ dẫn đến việc hai đối thủ trong quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga và Iran mất đi một đối tác quan trọng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ giành được một đối tác cho chính mình. Kế hoạch này rất đơn giản và rõ ràng. Song chế độ của ông Assad đã cho thấy một sự kiên cường hơn dự đoán, và phương Tây đã từ chối can thiệp và không thực hiện “đòn kết liễu”. Các nhóm được gọi là quân nổi dậy ôn hòa hoặc bị các tay súng Hồi giáo gạt sang bên lề hoặc tự thừa nhận rằng họ cũng là các tay súng Hồi giáo. Do có sự xuất hiện của IS, cuộc chiến đã lan rộng và “nhấn chìm” một nửa Iraq. Cho đến giờ, khi mà cả thế giới đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đánh bại IS, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cuộc chơi như hồi năm 2011.
Cụ thể như việc mùa Hè năm 2015, Chính quyền Tổng thống Erdogan đã đưa ra một thỏa thuận quan trọng cho phép Mỹ sử dụng hai căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công IS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỹ vẫn dùng những căn cứ đó để tấn công các lực lượng người Kurd tại Iraq và Syria. Chính quyền ông Erdogan hiện quan tâm đến việc hạn chế sức mạnh của người Kurd tại Syria hơn là đánh bại IS.
Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến giới chức chính quyền châu Âu, truyền thông và các học giả chuyển từ cách nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ như là một thế lực ôn hòa, có tầm ảnh hưởng đối với sự ổn định khu vực và phát triển kinh tế thành một nước ngầm ủng hộ, nếu không muốn nói là tài trợ toàn bộ, cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ còn được coi là đồng minh nguy hiểm có khả năng nhấn chìm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào một cuộc xung đột không mong muốn với Nga.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi Chính quyền Tổng thống Erdogan là “những kẻ đồng lõa với các phần tử khủng bố” sau vụ các máy bay chiến đấu của nước này bắn rơi trực thăng của Nga hôm 24/11, ông đã thẳng thừng lặp lại lời buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, song theo cách ngoại giao hơn. Cáo buộc đó là: Thổ Nhĩ Kỳ cho phép dầu mỏ và cổ vật mà IS cướp được tràn qua biên giới của nước này theo một con đường, trong khi các phần tử thánh chiến nước ngoài, tiền mặt và vũ khí tràn qua bằng một con đường khác.
Phát biểu hồi năm 2014 về đường biên giới lỏng lẻo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Phó Tổng thống Joe Biden đã vô tình tiết lộ rằng, vấn đề lớn nhất mà Mỹ gặp phải trong cuộc chiến chống IS đó là từ những đồng minh của họ. Gần đây hơn, ngày 27/11, một quan chức cấp cao trong Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã miêu tả với báo giới tình hình hiện nay là “một mối đe dọa quốc tế, và tất cả đều bắt nguồn từ Syria và sẽ tràn qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vị trí quan trọng của họ trong khối NATO như là “bức tường thành” chống lại Nga sẽ “che chắn” cho nước này khỏi những chỉ trích của các đồng minh phương Tây, và kéo dài thời gian để định hình cuộc xung đột tại Syria theo ý họ. Tuy nhiên, Nga đã xoay chuyển hiệu quả sự đồng cảm quốc tế về vụ rơi máy bay của họ thành một sự gia tăng ảnh hưởng tại Syria. Ông Putin đã cam kết sẽ “ngay lập tức hủy diệt” bất cứ thứ gì đe dọa lực lượng quân đội Nga tại Syria. Ông cũng nâng cấp các kho vũ khí tại Nga để chứng minh rằng ông có thể giữ lời cam kết của mình.
Cơ hội tốt nhất để ông Erdogan đạt được các mục đích của mình đó là thực hiện đầy đủ tư cách thành viên trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Ông có thể giúp liên minh này duy trì lợi thế trong đàm phán với Nga và Iran về giải quyết cuộc xung đột tại Syria và tương lai của ông Assad. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần phải thừa nhận khu tự trị của người Kurd ở Syria như là “sự đã rồi”. Đảng Liên đoàn Dân chủ người Kurd- vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xếp loại là tổ chức khủng bố- hiện đang chiến đấu chống IS cùng với Mỹ và được một số nước phương Tây hỗ trợ vũ trang và huấn luyện. Nhờ sự dũng cảm và hoạt động hiệu quả, nhóm này giờ đã có chỗ đứng chính trị đáng kể trên trường quốc tế.
Việc trao quyền tự trị cho người Kurd tại Syria không hẳn có nghĩa là gia tăng các hoạt động ly khai tại Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với những gì mà việc thành lập chính quyền tự trị người Kurd ở Iraq mang lại. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng cần phải đàm phán hòa bình với người Kurd tại Syria, với những điều khoản rõ ràng về sự toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng quyền của người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm như vậy với người Kurd ở miền Bắc Iraq, và giờ đang có mối quan hệ chặt chẽ với nhóm người này.
Thất bại trong việc thay đổi chính sách tại Syria có thể sẽ chỉ dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị cô lập, khiến nước này mang tiếng là “một kẻ phản động bị ruồng bỏ” và làm kéo dài cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Và đây không phải là đường hướng phát triển mà quốc gia này theo đuổi trong những thập kỷ gần đây.