Mỹ: Nga "không mù quáng" bước vào cuộc chiến chống IS tại Syria

Thế giới - Ngày đăng : 14:27, 31/12/2015

Khi chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria bước sang tháng thứ 4, cuối cùng, giới chức Mỹ buộc phải thừa nhận một điều: Moscow hiểu họ đang làm gì.

Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định mở trận không kích mở màn vào tối 30/9/2015, truyền thông cũng như các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây không ngừng chỉ trích chiến lược tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Điện Kremlin.

Chẳng hạn, ngày vào 02/10/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận định rằng, nỗ lực hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad của Nga và Iran, đồng thời làm yên lòng dân Syria sẽ chỉ khiến họ bị mắc kẹt trong vũng lầy và sẽ chẳng tạo ra bước tiến nào cả, Reuters cho biết.

Giờ đây, khi các cuộc oanh kích của Nga gây ra những ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với các nhóm khủng bố, giới chức Mỹ đã phải miễn cưỡng thừa nhận rằng Moscow đang đạt được mục tiêu của mình trong cuộc xung đột Syria.

“Người Nga đã không bước vào cuộc chiến này một cách mù quáng”, một quan chức tình báo Mỹ giấu tên phát biểu với Reuters. Vị này còn nói thêm rằng “họ (người Nga) đang nhận được một số lợi ích bên ngoài chi phí phải bỏ ra”.

Để chứng minh, giới chức Mỹ chỉ ra rằng, Nga chỉ phải chịu tổn thất rất nhỏ về người dù đã tiến hành tới 5.240 chuyến bay xuất kích kể từ khi bắt đầu chiến dịch. Đặc biệt, họ ước tính chi phí mà Kremlin bỏ ra tương đối khiêm tốn, khoảng 1 - 2 tỷ USD/năm trong khoản ngân sách quốc phòng thường niên lên tới 54 tỷ USD.

Mỹ: Nga

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Lực lượng Phòng không Nga đang ném bom các mục tiêu do IS kiểm soát tại Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Vasily Kashin, một chuyên gia phân tích của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, phát biểu với Reuters: “Tất cả dữ liệu có sẵn cho chúng ta thấy mức độ nỗ lực quân sự hiện tại là hoàn toàn không đáng kể so với nền kinh tế và ngân sách của Liên bang Nga. Nó có thể tiếp tục ở mức độ tương tự từ năm này qua năm khác”.

Còn tác giả Jason Ditz chỉ ra trong AntiWar (Chống chiến tranh) rằng, sự công nhận của những người theo chủ nghĩa hoài nghi của phương Tây đã khẳng định hiệu quả của chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành ở Syria.

“Đây là một sự thừa nhận đáng kinh ngạc đối với các quan chức Mỹ, thậm chí ngay cả khi chỉ là nặc danh đi chăng nữa”, Ditz viết, “bởi Nga mới chỉ chính thức tham gia vào cuộc chiến được có 3 tháng”.

Cuối tuần qua, chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện 164 lần xuất kích, phá hủy 556 mục tiêu khủng bố. Moscow cũng bắt đầu hỗ trợ các lực lượng đối lập Syria chống lại IS.

Trước đó, hôm 28/12, Thiếu tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, phát biểu với báo giới: “Với sự hỗ trợ của Không quân Nga, các đơn vị Lực lượng Dân chủ Syria đang tiến hành một cuộc tấn công vào thủ phủ của IS, thành phố Raqa”.

Trong khi đó, hồi đầu tuần, Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo cho thấy sự ngạc nhiên của Washington đối với khả năng của Hải quân Nga.

Báo cáo 68 trang có tiêu đề “Hải quân Nga: Sự chuyển mình lịch sử” do George Fedoroff, chuyên gia hàng đầu về Nga của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, biên soạn được hoàn tất hồi giữa tháng 12/2015. Nghiên cứu dựa trên sự kiện Hải quân Nga phóng thành công tên lửa hành trình từ tàu chiến đặt ở Biển Caspi và Địa Trung Hải.

Cụ thể, vào tháng 9/2015, tàu chiến cỡ nhỏ và vừa của Nga ở Biển Caspi đã phóng tên lửa hành trình, tiêu diệt các mục tiêu quân khủng bố tại Syria ở khoảng cách gần 2.000km. Đến đầu tháng 12/2015, tàu ngầm lớp Kilo mới nhất của Nga cũng lại có màn thị uy tên lửa hành trình tương tự, từ đáy biển ở Địa Trung Hải phóng vào Syria.

Và Fedroff đưa ra kết luận: Nga đã bắt đầu, và trong thập kỷ tới sẽ có bước chuyển mình đáng kể hướng đến xây dựng một lực lượng hải quân thế kỷ 21 có đủ năng lực bảo đảm quốc phòng phòng độc lập, hiện diện ấn tượng tại những khu vực tầm xa trên toàn cầu có liên quan đến lợi ích của Nga.

Minh Thi