Mỹ: Chỉ chia sẻ tin tình báo khi Nga thay đổi quan điểm về Tổng thống Assad
Thế giới - Ngày đăng : 14:46, 26/12/2015
Máy bay ném bom chiến lược Su-34 của Không quân Nga tham gia chiến dịch chống IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Kể từ khi quyết định mở chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria từ tối 30/9, Nga đã đề nghị chia sẻ thông tin với liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù nhiều lần hối thúc Washington đưa ra câu trả lời chính thức, cùng nỗ lực ngoại giao trên phạm vi rộng kéo dài nhiều tháng trời - với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Quốc phòng, và cả Điện Kremlin, song Lầu Năm Góc vẫn từ chối lời đề nghị của Nga.
Hôm qua (25/12), Trung tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Nga tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thông tin với lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu về các vị trí của IS tại Syria, và hi vọng sẽ nhận được lời hồi đáp từ phía Washington.
Ông cũng nói thêm rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu nên xem xét các thông tin mà Nga cung cấp để có biện pháp tiêu diệt các vị trí mà những phần tử khủng bố đang chiếm đóng.
Tuy nhiên, sau đó cùng ngày, Trung tá Michelle Baldanza, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu với Sputnik: “Chúng tôi sẽ không hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, cho đến khi họ thay đổi chiến lược ủng hộ Tổng thống Assad, và thay vào đó tập trung vào việc chống IS”.
Trong suốt tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, Moscow kiên trì quan điểm chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định lãnh đạo của mình là ai. Nga nhiều lần lên tiếng phản đối các nước can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Syria.
Điện Kremlin cũng đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng, quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Và do đó, như khẳng định của Tổng thống Vladimir Putin, việc Nga mở chiến dịch không kích ở Syria là giúp đỡ quân đội Syria giành lại lãnh thổ bị IS và các nhóm khủng bố, cực đoan khác chiếm đóng.
Thế nhưng, Washington và các đồng minh ở Trung Đông không xem Tổng thống Assad được bầu là sự cầm quyền hợp pháp, và muốn ông phải từ chức. Mỹ cũng cho rằng, sự ra đi của Tổng thống Assad là điều kiện cơ bản để có thể thực hiện tiến trình hòa bình tại Syria.
Tuy nhiên, gần đây Washington có vẻ đã bớt căng thẳng hơn khi tuyên bố Tổng thống Assad có thể thực hiện vai trò của mình trong “thời kỳ quá độ”, trong lúc xem xét quyết định ông sẽ ra đi “như thế nào và khi nào”, RT cho biết.