Mỹ sẽ có biện pháp mạnh nếu Iran tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo
Thế giới - Ngày đăng : 16:32, 09/12/2015
Nhiều thông tin cho rằng, hôm 21/11, Iran đã phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung
“Mỹ đang tiến hành kiểm tra lại vụ việc đã được báo cáo”, bà Power phát biểu với các phóng viên sau một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Bà cũng cho biết thêm rằng, nếu Washington khẳng định được những thông báo về việc Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung vào hôm 21/11 vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, vấn đề này sẽ được đưa lên Hội đồng Bảo an và sẽ xem xét đưa ra hành động thích đáng.
Một quan chức ngoại giao phương Tây giấu tên tuần trước cho biết, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo Ghadr-110 - phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Shahab-3 diễn ra ở gần Chabahar, một thành phố cảng gần biên giới Iran với Pakistan. Cũng theo vị này, đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu dạng lỏng có tầm phóng tới 1.900km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Iran bị cấm tất cả các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc năm 2010. Nghị quyết này có hiệu lực cho đến khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc được thực thi.
Theo bản thỏa thuận lịch sử đạt được ngày 14/7, Iran được dỡ bỏ cấm vận, đổi lại Tehran sẽ tạm ngưng chương trình hạt nhân của mình.
Tiếp đó, một thỏa thuận ngày 20/7 - tán thành thỏa thuận nói trên tiếp tục “yêu cầu” Tehran không phát triển các loại tên lửa có thể mang vũ khí hạt nhân trong tối đa 8 năm ngay cả khi có hiệu lực.
Hồi tháng 10, Mỹ, Anh, Pháp và Đức kêu gọi Ủy ban trừng phạt Iran thuộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động sau khi Tehran thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong cùng tháng.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hành động nào được Ủy ban trừng phạt đưa ra, mặc dù bà Power cho biết, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ thảo luận vấn đề này vào tuần tới.
Cũng theo Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Washington có thể đơn phương tiến hành các bước nhằm chống lại Iran; trong khi Tehran cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào như một hành vi vi phạm thỏa thuận hạt nhân.