Nâng cấp bộ ba hạt nhân đẩy nước Mỹ đến bờ vực chạy đua vũ trang hạt nhân?
Thế giới - Ngày đăng : 19:31, 04/12/2015
Hình ảnh đám mây hình nấm sau một vụ thử nghiệm bom nguyên tử
Ông William Perry - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1994 - 1997 dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton - đưa ra nhận định trên tại một sự kiện do nhóm Defense Writers Group tổ chức ngày hôm qua (03/12).
“Hiện giờ chúng ta đang đứng trên vách đá, có lẽ tôi nên nói bờ vực, của một cuộc chạy đua vũ trang”, ông nói. “Đây là một cuộc chạy đua vũ trang mà ít nhất sẽ tốn kém như cuộc chạy đua vũ trang mà chúng ta thấy trong Chiến tranh lạnh, rất nhiều tiền của”.
Lầu Năm Góc đang bắt đầu nâng cấp đáng kể bộ ba hạt nhân, bao gồm các lựa chọn hạt nhân cho máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, ông Perry kêu gọi phá vỡ bộ ba này bằng cách giải trừ các kho vũ khí hạt nhân. Theo ông, ICBM “là không cần thiết”, và sự răn đe hợp lý không nhất thiết yêu cầu “chân kiềng” thứ ba.
Trong bản báo cáo đánh giá hồi tháng 8 vừa qua, Trung tâm đánh giá chiến lược dự tính sẽ mất hơn 700 triệu USD để điều chỉnh cơ cấu vốn cho bộ ba hạt nhân trong 25 năm tới. Song ông Perry nhận định, chi số tiền này là không đáng đối với nước Mỹ trong giai đoạn vừa thiếu tiền mặt cho các chương trình khác, vừa thiếu khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ, Defense News cho biết.
Cuối cùng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết luận: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi sự suy giảm trong quan hệ Moscow - Washington - vốn trở nên băng giá từ sau sự đổ vỡ của Liên bang Xô Viết. Không có các liên lạc quân sự rõ ràng giữa hai quốc gia, nguy cơ xung đột bất ngờ ngày càng gia tăng, ông Perry đánh giá.
“Có lẽ tôi sẽ không nói điều này vào 10 năm trước, nhưng ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với sự nguy hiểm của một sự cố hạt nhân như đã thấy trong thời Chiến tranh lạnh, một cuộc chiến bất ngờ. Tôi cho rằng cần phải hành động: ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tồi tệ này tiếp tục gia tăng”.
Trước đó, bình luận trên tạp chí National Interest (Mỹ), chuyên gia về an ninh hạt nhân James E.Doyle cho rằng, kế hoạch phát triển mới tên lửa hành trình đối đầu tầm xa (LRSO) trang bị đầu đạn hạt nhân của Washington đang mâu thuẫn với chính sách cắt giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ.
Theo ông, điều này sẽ gây khó khăn cho mục tiêu duy trì một trật tự chiến lược trên thế giới, khi mà các quốc gia đòi sở hữu vũ khí hạt nhân ngày một tăng.