Vụ Su-24 bị bắn rơi: Nga quyết tâm chặt đứt nguồn tiền nuôi IS bằng Nghị quyết 2199
Thế giới - Ngày đăng : 19:10, 02/12/2015
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc, ông Vitaly Churkin, cho biết, mục đích của bản dự thảo sửa đổi Nghị quyết 2199 nhằm chặt đứt nguồn tài chính nuôi sống các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nghị quyết 2199 - một sáng kiến của Moscow - được thông qua ngày 12/01 nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán dầu bất hợp pháp với / và bởi các nhóm khủng bố.
Theo đó, bất cứ cá nhân, tổ chức, hay quốc gia nào bị phát hiện thực hiện giao dịch liên quan đến dầu mỏ với các tổ chức khủng bố, trong đó có IS, sẽ bị coi là hành động “tài trợ khủng bố”; và sẽ chịu các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
“Chúng tôi không hài lòng với cách thức mà Nghị quyết 2199 - sáng kiến của chúng tôi - đang được kiểm soát và thực thi. Chúng tôi muốn thắt chặt toàn bộ quy trình thủ tục. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các đồng sự; và tôi phải nói rằng, cho đến lúc này, không có quá nhiều bất đồng về vấn đề này”, ông Churkin nói.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power cho hay rằng, Washington có “một mục tiêu chung” với Nga trong vấn đề nói trên, bởi Mỹ cũng đang hướng đến việc ngăn chặn nguồn tài chính cung cấp cho bọn khủng bố.
Tuyên bố của Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Moscow - Ankara leo thang căng thẳng nghiêm trọng từ sau vụ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi gần biên giới Syria với cáo buộc “xâm phạm không phận”.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Su-24 không hề bay vào vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ, và rằng nó đã bị rơi trên đất của Syria. Điện Kremlin cũng cho biết, động cơ dẫn đến hành động “khiêu khích” của Ankara chính là nhằm bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu từ bọn khủng bố (trong đó có IS) đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi ông Churkin đề xuất trừng phạt các quốc gia làm ăn với IS, thì một tướng nghỉ hưu quân đội Mỹ, cho rằng Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc nên chỉ rõ hơn nữa những “diễn viên quốc gia” nào có liên quan đến hoạt động buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp.
NATO lên kế hoạch tăng cường khả năng phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi một mặt kêu gọi Moscow và Ankara bình tĩnh đưa ra các giải pháp nhằm làm dịu căng thẳng, hôm qua (01/12), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hiện có kế hoạch triển khai máy bay tuần tra và tên lửa nhằm tăng cường khả năng phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực giáp biên giới Syria.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp với các Ngoại trưởng các nước thành viên diễn ra ngày 01/12 tại Brussels, Bỉ
Theo Reuters, động thái này của NATO nhằm trấn an đồng minh sau khi Đức và Mỹ quyết định rút hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước. Bên cạnh đó, việc Nga tiếp tục tiến hành các trận không kích ở Syria cũng là lý do buộc NATO phải lên kế hoạch hỗ trợ cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng các nước - tham gia cuộc họp tổ chức tại trụ sở NATO (Brussels, Bỉ) - đánh giá tình hình biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria và Iraq “rất không ổn định”; đồng thời khẳng định việc cam kết tăng cường hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ mà NATO đưa ra là “một biện pháp bảo vệ an ninh”.
Trong khi đó, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: kế hoạch không liên quan đến chiến dịch không kích của Nga tại Syria.