Eurojust tiếp tục bàn vụ MH17 khi thế giới đang nóng vì Su-24 bị bắn hạ

Thế giới - Ngày đăng : 14:05, 29/11/2015

Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) ngày 28/11 cho biết, Hội nghị điều phối lần thứ ba về cuộc điều tra vụ MH17 đã diễn ra tại La Haye (Hà Lan).

Eurojust tiếp tục bàn vụ MH17 khi thế giới đang nóng vì Su-24 bị bắn hạ

Cuộc họp báo đưa ra báo cáo cuối cùng về vụ MH17 diễn ra hôm 13/10/2015. Ảnh: Reuters

Sự kiện nói trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự quan tâm về vụ máy bay ném bom Su-24 bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11.

Theo thông báo của Eurojust, các nhà chức trách đến từ 12 quốc gia liên quan đến vụ tai nạn đã có mặt trong hội nghị lần này. Tại đây, các bên tiếp tục thảo luận về những bước tiến đã đạt được trong tiến trình nhận dạng và xác minh thông tin nạn nhân, cũng như cuộc điều tra hình sự vụ tai nạn hàng không MH17.

Cụ thể, cuộc họp có sự tham dự của các công tố viên và điều tra viên thuộc nhóm điều tra chung được thành lập năm 2014 - gồm Hà Lan, Australia, Ukraine, Bỉ và Malaysia; cùng đại diện các nước có công dân thiệt mạng - gồm Anh, Đức, Philippines, Canada, New Zealand, Indonesia và Mỹ.

Hội nghị điều phối Eurojust tổ chức lần đầu tiên về vấn đề này diễn ra vào ngày 28/7/2014, và lần thứ hai vào ngày 04/10/2014.

Ngày 17/7/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia cất cánh từ sân bay Schipol (Amsterdam, Hà Lan) vào lúc 10h31 GMT và dự kiến hạ cánh tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào 22h10 cùng ngày.

Lúc 14h15, khi đang ở độ cao 10km trên không phận miền Đông Ukraine, MH17 bỗng mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.

Chiếc Boeing 777 sau đó đã rơi xuống khu vực gần làng Grabove, vùng Donetsk, cách không xa biên giới Nga. Toàn bộ 298 người trên khoang, trong đó có 283 hành khách (80 trẻ em) đều thiệt mạng.

Kiev và nhiều nước phương Tây cáo buộc phe ly khai được Nga hậu thuẫn đã bắn rơi MH17 bằng hệ thống tên lửa BUK do Nga cung cấp vì nhầm đó là máy bay của quân đội chính phủ Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow kịch liệt bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào đến vụ việc này, đồng thời đưa ra một loạt giả thuyết về sự xung đột, trong đó có cả một tên lửa không đối không được phóng từ máy bay của Ukriane. 

Ngày 13/10 vừa qua, phía Hà Lan công bố kết luận MH17 bị tên lửa BUK do Nga sản xuất sau 15 tháng điều tra.

Minh Thi