Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga: Nguyên nhân sâu xa

Thế giới - Ngày đăng : 08:36, 26/11/2015

Ngày 24/11, máy bay quân sự Su-24 của Nga đã bị bắn hạ tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria. Hiện vẫn chưa rõ liệu chiếc máy bay này, được cho là một thành viên trong chiến dịch không kích mà Moskva tiến hành tại Syria đã xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara khẳng định, máy bay Nga đã phớt lờ hàng loạt cảnh báo của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết có đủ bằng chứng, từ bản đồ rada cho tới các cuộc hội thoại với phi công Nga để chứng minh điều này. Trong khi đó, Nga phủ nhận, thậm chí còn nói rằng nếu có thì máy bay Nga chỉ vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vài giây.

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga: Nguyên nhân sâu xa

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều máy bay F-16 bắn hạ chiếc Su-24 của Nga

Các nguồn tin cho biết, chiếc Su-24 đã rơi xuống tại phía bên này biên giới Syria. Phi công đã bấm nút nhảy dù khỏi máy bay, song có thông tin cho biết, hai phi công và có thể là cả máy bay trực thăng Nga được phái tới sau đó để tìm kiếm phi hành đoàn đã bị quân nổi dậy Syria tấn công bằng tên lửa TOW. Một trong hai phi công và một lính thủy đánh bộ Nga đã thiệt mạng. Giới phân tích đã đặt ra một vài câu hỏi lớn xung quanh động thái bắn hạ máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ 

Hệ quả của mâu thuẫn quan điểm?

Trước khi vụ việc ngày 24/11 xảy ra, bầu trời vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria luôn trong tình trạng căng thẳng khi các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Nga và lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng hoạt động đan xen. Nhiều người đã nói về nguy cơ xảy ra đụng độ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai nước có mối quan hệ khá căng thẳng từ lâu và còn nhiều khúc mắc về mặt lịch sử. Đế quốc Ottoman từng có giai đoạn chiến tranh với Sa hoàng Nga từ năm 1877-1878. Thậm chí, tới cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Stalin còn tuyên bố một phần phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về Nga.

Cũng như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nguy cơ Nga nhúng tay quá sâu vào cuộc nội chiến Syria sẽ càng khiến tình hình trở nên phức tạp, trong đó có mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng người tị nạn tại vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đang là nơi lưu trú của khoảng 1 triệu người Syria chạy trốn khỏi nghèo đói và xung đột. Moskva và Ankara còn mâu thuẫn trầm trọng về quan điểm liên quan đến tương lai của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, cũng như tranh cãi về những mục tiêu thực sự trong chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại quốc gia Trung Đông này.

Nga là đồng minh của Chính quyền Assad. Họ muốn quét sạch tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) song cũng có những toan tính nhất định. Nga tuyên bố triển khai chiến dịch không kích để tấn công khủng bố và trên thực tế cũng đã tiến hành vài cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu của IS. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, mục tiêu chính của Moskva là quân nổi dậy chứ không phải IS. Điều càng khiến tình hình phức tạp là mâu thuẫn trong “định nghĩa” về quân nổi dậy chống chính quyền của Mỹ và Nga. Nga coi mọi lực lượng chống Chính quyền Damascus là các phần tử khủng bố, trong khi Mỹ coi quân nổi dậy chống chính quyền là lực lượng ôn hòa, những người có khả năng sẽ tham gia chính phủ mới ở Syria. Tuy nhiên, thực tế là những lực lượng chống chính quyền bao gồm cả Quân Tự do Syria và nhánh chân rết al-Nursa tại Syria của tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Cái cớ để thiết lập vùng cấm bay?

Thiết lập một vùng cấm bay là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thực hiện từ năm 2012 nhằm tạo một khu vực đặc biệt an toàn để phục vụ các hoạt động hỗ trợ hậu cần và quân sự cho phiến quân chống Chính quyền Assad ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria. Tháng 6/2012, sau khi một máy bay do thám của Thổ Nhĩ Kỳ bị hệ thống phòng không Syria ở biên giới bắn hạ, Ankara đã triển khai những quy định mới, khẳng định không quân nước này sẵn sàng đánh chặn và tấn công các máy bay vi phạm không phận của mình. Trong một tuyên bố, Ankara từng nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn mọi thứ, kể cả một con chim bay ngang sang không phận của mình”. 

Sau khi Mỹ và liên quân triển khai can thiệp quân sự tại Syria, tầm ảnh hưởng của Chính quyền Damascus ngày càng suy yếu, đỉnh điểm là ông Assad chỉ còn nắm trong tay chưa đến 1/3 lãnh thổ Syria. Với quyết tâm loại bỏ nhà lãnh đạo này, có thể nói “giấc mơ” của liên minh do Mỹ dẫn đầu và Thổ Nhĩ Kỳ sắp trở thành hiện thực. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Nga quyết định can thiệp.

Vụ việc máy bay Nga bị cho là xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chưa từng có tiền lệ. Nga đã nhiều lần nắn gân Chính quyền Ankara, “vô tình” đi lạc vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 vừa qua và thậm chí là ngắm bắn 8 máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi dùng máy bay MIG-29 làm nhiễu sóng rada của các máy bay này tại khu vực biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ. Những diễn biến này, cộng với thực tế là sự hậu thuẫn của Nga đang củng cố sức mạnh cho Chính quyền Assad, khiến Ankara lo ngại. Nga đã tăng cường các cuộc tấn công tại Syria, vô hình chung tạo thành một vùng bảo vệ bao trùm Damascus, Homs, Hama và Aleppo, và giúp ông Assad giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng.

Trong chuyến thăm Brussels (Bỉ) hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về việc thiết lập một vùng cấm bay và vùng an toàn dọc biên giới với Syria. Tuy nhiên, Nga đã phản đối mạnh mẽ yêu cầu này và cho rằng, đây là điều trái với Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và hầu hết các ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng nhiều lần lên tiếng kêu gọi thiết lập vùng cấm bay tại Syria để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, trên thực tế IS không có máy bay, và những đối tượng bị cấm bay, nếu có, sẽ là quân đội Nga và Chính phủ Syria. Giới lãnh đạo và các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều cố tình phớt lờ điều này và lấp liếm bằng các tuyên bố mập mờ. Bà Clinton khẳng định cần dùng các biện pháp ngoại giao để nêu bật “các ưu tiên” của Mỹ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi ứng cử viên Jeb Bush khẳng định các bên cần nhanh chóng tìm cách “đánh bật IS và cùng lúc giải quyết vấn đề Assad”.

Sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ ngày 24/11, người ta vẫn chưa rõ liệu Nga sẽ tiếp tục phản ứng thế nào sau khi ông Putin nhấn mạnh sự kiện ngày 24/11 là một “cú đâm từ sau lưng của những kẻ hậu thuẫn khủng bố”. Điều mà nhiều người lo ngại nhất là ông Putin sẽ triển khai thêm máy bay tới Syria để thực hiện các kế hoạch của riêng mình. Xu hướng đó chắc chắn sẽ gây ra “những hệ lụy khó lường”.

TTK