Bị xem là "hậu phương" của khủng bố Paris, Bỉ nâng báo động lên mức cao nhất
Thế giới - Ngày đăng : 22:01, 21/11/2015
Cảnh sát Bỉ kiểm tra túi xách của mọi người tại Quảng trường Grand Place. Ảnh: BBC
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết quyết định tăng mức độ báo động khủng bố tại Brussels được đưa ra dựa trên tin tức về nguy cơ một vụ tấn công “giống như đã từng xảy ra ở Paris”.
Lo sợ “một số cá nhân trang bị vũ khí và chất nổ có thể thực hiện một cuộc tấn công… thậm chí ở một vài nơi”, ông cho biết.
Hiện Bỉ đã tăng mức báo động khủng bố tại Thủ đô Brussels - trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - lên mức độ cao nhất. Hoạt động tại ga xe điện ngầm sẽ được ngưng cho đến ngày mai (22/11). Dân chúng cũng được yêu cầu tránh tụ tập, theo BBC.
Ngoài ra, trung tâm mua sắm, nhà hát cũng nằm trong danh sách các địa điểm nguy cơ báo động khủng bố cao nhất. Giới chức trách khuyến cáo, những sự kiện lớn, trong đó có cả các trận đấu bóng đá, cũng bị hủy bỏ.
Ngoài Brussels, các khu vực khác ở Bỉ ở mức “nghiêm trọng”, dưới mức báo động khủng bố cao nhất.
Ga xe điện ngầm tại Brussels sẽ ngừng hoạt động cho đến ngày 22/11. Ảnh: BBC
Phát biểu với báo giới trong cuộc họp nội các về an ninh đặc biệt diễn ra ngày hôm nay (21/11), Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon khẳng định tình hình đất nước mặc dù “nghiêm trọng” song vẫn “trong tầm kiểm soát”.
Phân tích tình hình, Cơ quan Phối hợp phân tích các mối đe dọa của Bỉ (OCAM) cho biết, “chính quyền nâng báo động khủng bố lên mức 4 do lo ngại nguy cơ khủng bố nghiêm trọng đối với Brussels. Thời điểm này, giới chức trách cần có các biện pháp an ninh cụ thể, đồng thời cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết”.
Phát biểu trên Kênh truyền hình quốc gia Bỉ (RTBF) ngày 14/11, Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens cho biết những kẻ tấn công khủng bố đêm 13/11 ở Paris có thể sử dụng Bỉ như hậu phương hoặc đã nhận một sự hỗ trợ hậu cần từ Bỉ.
Sau khi xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng ở thủ đô Paris (Pháp) khiến gần 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương, hầu hết các nước châu Âu đều cho biết sẽ siết chặt an ninh, tăng cường kiểm soát biên giới. Phía Đức và Bỉ sẽ kiểm soát người nhập cảnh trên toàn biên giới, đặc biệt các khu vực giáp với Pháp để tránh những đối tượng khủng bố Paris chạy trốn.
Ngày 18/11, giới chức an ninh Thụy Điển nâng mức đánh giá đe dọa khủng bố lên cao nhất từ trước đến nay sau khi săn lùng một nghi can khủng bố.
Tại Nga, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga (NATC) thông báo: mức báo động cao cũng được nâng lên ở các cơ quan an ninh quốc gia.
Ngoài ra, một số quốc gia EU áp đặt các biện pháp hạn chế Hiệp định Schengen về việc đảm bảo tự do đi lại trên lãnh thổ phần lớn quốc gia trong khối.
Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã nhất trí bỏ phiếu “tăng gấp đôi” hành động chống lại IS.
Một số thông tin về những kẻ tấn công trong vụ khủng bố Paris: Theo thông tin ban đầu, có 8 kẻ tấn công đã chết tại hiện trường. Tuy nhiên sau đó, giới chức Pháp cho biết chỉ có 7 kẻ bị tiêu diệt, trong đó 1 tên bị cảnh sát bắn chết và 6 tên chết do đánh bom cảm tử. Kẻ thứ 8, được cho là Abdeslam Salah, hiện đang bị truy nã trên toàn thế giới. Thông tin về 4 kẻ tấn công đã được tiết lộ, trong đó có 1 tên chưa rõ quốc tịch. Được biết, tên này là Ahmad al-Mohammad, 25 tuổi, ở Idlib, Syria. Ít nhất 3 kẻ tấn công là người Pháp, trong đó có 2 tên sống ở Brussels, tên còn lại là Ismaël Omar Mostefaï, 29 tuổi, người gốc Courcouronnes, Pháp và sống ở Chartres, cách Paris khoảng 100km. Abdeslam Salah, hiện đang bị truy nã trên toàn thế giới Danh sách những kẻ bị tình nghi Salah Abdeslam, 26 tuổi: đang truy nã khẩn cấp Mohammed Abdeslam: đã bị bắt giữ ở Bỉ Brahim Abdeslam, 31 tuổi: đã chết ở gần nhà hát Bataclan Ismail Omar Mostefai, 29 tuổi: đã chết trong vụ xả súng tại nhà hát Bataclan Bilal Hadfi, 20 tuổi: đã chết tại Sân vận động quốc gia Pháp State de France 4 kẻ tấn công khác cũng đã chết trong các cuộc tấn công liên hoàn. |