Tổng thống Putin tiết lộ kế hoạch "xuyên thủng" lá chắn tên lửa Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 11:25, 11/11/2015
Tổng thống Putin có cuộc họp với các quan chức quốc phòng ở dinh thự Bocharov Ruchei tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen ngày 10/11. Ảnh: AFP
Hôm qua (10/11), ông chủ Điện Kremlin có cuộc họp với các quan chức quốc phòng ở dinh thự Bocharov Ruchei tại khu nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen. Giữ vai trò chủ tọa, Tổng thống Putin đã đưa ra những nhận định về chương trình phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, cũng như tuyên bố sẽ đáp trả bằng dàn vũ khí mới.
Theo nhà lãnh đạo Nga, mục đích của Washington trong việc phát triển các hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo là nhằm “vô hiệu hóa” vũ khí hạt nhân chiến lược răn đe của Nga và giành “ưu thế quân sự mang tính quyết định” trên toàn cầu. Do đó, Moscow sẽ phản ứng bằng cách phát triển “các hệ thống tấn công có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào”, Tổng thống Putin khẳng định.
Trong bài phát biểu của mình, ông lưu ý: “Hơn 3 năm qua, các công ty công nghiệp quốc phòng đã chế tạo và thử nghiệm thành công những hệ thống vũ khí tương lai có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng. Những hệ thống như vậy đã bắt đầu gia nhập quân đội trong năm nay. Và bây giờ chúng ta đang nói về sự phát triển của các loại vũ khí mới”.
Tuyên bố của vị Tổng thống vừa giành vị trí số 1 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới - do Tạp chí Forbes bình chọn và công bố hôm 05/11 - được đưa ra giữa lúc quan hệ Nga - Mỹ và các nước đồng minh thuộc khối NATO ngày càng trở nên gay gắt. Theo đánh giá chung của các chuyên gia chính trị, mối quan hệ này đã xuống tới mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh - do quyết định sáp nhập Crimea về Nga hồi tháng 3/2014, cũng như những cáo buộc cho rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột đang diễn ra tại miền đông Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại cuộc họp ngày 10/11. Ảnh: AFP
Điện Kremlin liên tục lên tiếng phản đối chương trình triển khai lá chắn của Mỹ ở các nước Đông Âu trong nhiều năm qua. Moscow lo ngại rằng nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục mang đầu đạn hạt nhân của Nga, và từ đó vô hiệu hóa vũ khí răn đe của Nga.
Tuy nhiên, Washington một mực khẳng định lá chắn chỉ nhằm ngăn cản mối đe dọa tên lửa từ các quốc gia như Iran và Triều Tiên mà thôi. Không chỉ có vậy, Lầu Năm Góc còn tuyên bố nó không thể nào đối phó được với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của đất nước xứ Bạch Dương.
Đáp lại lập luận đó, hôm qua, Tổng thống Putin cho biết, Tehran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với 6 siêu cường thế giới - về việc cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế - từ tháng 10/2015. Thế nhưng, Washington vẫn tiếp tục kế hoạch triển khai lá chắn của mình.
“Vậy thì, lý do ngăn cản mối đe dọa tên lửa hạ nhân từ Iran và Triều Tiên chỉ nhằm mục đích che đậy cho kế hoạch thực sự, và nhiệm vụ thực sự của họ là vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của các cường quốc hạt nhân khác mà thôi, đặc biệt là Nga”, ông Putin khẳng định.
“Thật đáng tiếc, sự quan tâm của chúng ta cùng những đề nghị hợp tác lại bị phớt lời”, ông nói.
Tổng thống Putin cũng cho biết thêm rằng, trong tương lai Nga cũng có thể nghiên cứu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Song việc trước tiên mà Điện Kremlin tập trung ở thời điểm này là trang bị các vũ khí tấn công mới.
Khinh khí cầu JLENS được Mỹ triển khai tại bang Maryland là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO do Mỹ dẫn đầu.
JLENS (Hệ thống cố định phòng thủ tên lửa hành trình hỗn hợp trên đất liền) tại Aberdeen Proving Ground ở bang Maryland.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ dành ít chi phí cho hệ thống phòng thủ tên lửa hơn so với khoản đầu tư của Mỹ dành cho lá chắn của mình.
AFP dẫn lời Thư ký báo chí Điện Kremlin: “Tổng thống Nga nhiều lần khẳng định rằng chúng tôi không đi theo những gì Mỹ đã làm, và sẽ chỉ đầu tư khoản tiền ở mức trung bình vào hệ thống phòng thủ tên lửa. Ông cho biết những gì mà chúng tôi lựa chọn thấp hơn nhiều về mặt chi phí, nhưng không thấp hơn, mà thậm chí còn cao hơn, về mặt hiệu quả”.
Nga, Mỹ và các đồng minh của Washington trong tổ chức NATO không chỉ căng thẳng với nhau trong vấn đề lá chắn tên lửa, mà còn cả giải pháp cho tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria. Quyết định mở chiến dịch không kích theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashare al-Assad của Tổng thống Putin đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây.
Trong khi Moscow khẳng định rằng mục tiêu của Nga trong sự hiện diện quân sự tại Syria là nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm cực đoan khác, thì Washington lại cho rằng ý đồ thực sự của Điện Kremlin ở đây là tiêu diệt phe đối lập với chính quyền Damascus. Bên cạnh đó, Mỹ liên tục cho rằng, để đạt được tiến trình hòa bình ở Syria thì chắc chắn việc Tổng thống Assad phải từ chức và chuyển giao quyền lực là yêu cầu cần thiết.