Bước đi quyền lực của Iran: Đạt thỏa thuận mua S-300 của Nga

Thế giới - Ngày đăng : 19:36, 10/11/2015

Nga nhất trí tiếp tục thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran sau thời gian tạm ngưng do lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với vấn đề hạt nhân của Tehran, AFP đưa tin.

Tin tức trên ông Sergei Chemezov, Giám đốc điều hành Tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec (Nga) khẳng định với hãng thông tấn RIA Novosti ngày 09/11 tại Triển lãm Hàng không quốc tế 2015 tại Dubai (Dubai Airshow). Song ông không cho biết sẽ giao cho Iran phiên bản S-300 nào. Theo một số nguồn tin, khả năng Tehran sẽ chọn S-300P (PMU-1 hoặc PMU-2) hay S-300V (S300VM Antey-2500).

Việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân quốc tế mang tính bước ngoặt ngày 18/10/2015; việc tham gia với vai trò thành viên trên bàn hội nghị bàn về vấn đề Syria tại vòng đàm phán 2 ngày 29 và 30/10 tại Vienna; và việc đạt được thỏa thuận mua S-300 từ Nga cho thấy Iran đang dần khôi phục lại vị thế của mình ở khu vực Đại Trung Đông.

Bước đi quyền lực của Iran: Đạt thỏa thuận mua S-300 của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU. Ảnh: AFP

Trước đó, việc Iran và các cường quốc thế giới đạt được một thỏa thuận hạt nhân đã khiến cho Israel và các nước vùng Vịnh dấy lên lo ngại rằng, sự xích lại gần với phương Tây có thể sẽ cho phép Tehran thực hiện ý đồ bành trướng quyền lực của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Chemezov cho biết, các nước vùng Vịnh không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa bởi thỏa thuận này. Thông qua phiên dịch viên, Giám đốc điều hành Rostec khẳng định với Reuters: “Đây là trang thiết bị quốc phòng. Và chúng tôi sẵn sàng cung cấp nó cho bất kỳ quốc gia nào. Vì thế, nếu các nước vùng Vịnh không tấn công Iran, lý do gì họ bị đe dọa khi mà đây chỉ là trang thiết bị phòng vệ?”.

Ông tiết lộ, Arập Saudi, đối thủ chính của Iran, đã tiếp xúc với công ty ông “vài lần” để yêu cầu không cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không cho Iran, theo Jerusalem Post.

Tuy nhiên, ông Chemezov tuyên bố: “5 năm trước, thậm chí bây giờ, cho đến tận bây giờ… Và chúng tôi đã khẳng định rằng S-300 không có khả năng tấn công các nước láng giềng”.

Đầu tháng 11/2015, nhiều nguồn tin cho biết Rostec thông báo đang chuẩn bị một hợp đồng cung cấp cho Iran các hệ thống tên lửa. Công nghệ này sẽ nâng cấp đáng kể các khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo của Tehran.

Trong khi đó, nhiều năm nay Nga và truyền thông nước này đưa ra những thông tin liên quan đến việc bán hoặc ngưng hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Việc xuất hiện những bản tin trái chiều như thế này được Jerusalem Post xem như là “một chiến dịch tuyên truyền được thay đổi theo lợi ích chính trị quốc gia”.

Hồi tháng 6/2015, nhà sản xuất vũ khí quốc doanh của Nga Almaz-Antey cho biết sẽ cung cấp cho Iran một phiên bản hiện đại hóa của S-300, đây là một trong số những hệ thống tên lửa phòng không “uy lực nhất thế giới”, một khi đạt được thỏa thuận thương mại.

Quay trở lại năm 2010, dưới thời Tổng thống Dmitry Medvedev, sau khi Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết hạn chế cung cấp vũ khí quân sự cho Tehran, Nga đã ngưng thỏa thuận bán 5 tổ hợp S-300 cho Iran theo hợp đồng trị giá khoảng 800 triệu USD ký kết năm 2007.

Mặc dù lệnh trừng phạt không áp dụng cho các hệ thống phòng không, song Moscow khi đó đã quyết định ngừng cung cấp S-300 với mục đích nối lại quan hệ nguội lạnh với Washington. Và do vậy, Tehran đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế tại Geneva và đòi Nga bồi thường 4 tỷ USD vì vi phạm hợp đồng.

Tháng 7/2015, Tehran đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử với các cường quốc thế giới về việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Thế nhưng, ngay từ tháng 4/2015, Moscow đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Iran. Ngay lập tức, Israel lên tiếng chỉ trích dữ dội, còn Washington thì tỏ ra quan ngại vì nó đã được đưa ra trước khi Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Và khi đó, Nga khẳng định S-300 hoàn toàn có tính chất phòng thủ và thậm chí không nằm trong lệnh trừng phạt.

Minh Thi