Ai sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công tại Syria

Thế giới - Ngày đăng : 14:05, 06/11/2015

Khí mù tạt đã được sử dụng trong cuộc chiến tại Syria hôm 21/8, tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) khẳng định.

Báo cáo của tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 5/11 khẳng định, chất khí được sử dụng trong cuộc chiến tại thị trấn Marea ở tỉnh Aleppo vào ngày 21/8 là loại khí chết người có tên gọi “khí mù tạt”. Theo Reuters, một nguồn tin từ OPCW cho biết, họ đã xác định được sự thật, nhưng vẫn chưa xác định được người chịu trách nhiệm.

Khí mù tạt còn có tên gọi là mù tạt lưu huỳnh có khả năng gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Khí mù tạt có thể gây chết người, làm nạn nhân nhiễm độc bị tàn tật, mắc bệnh ung thư hoặc bị mù vĩnh viễn. Chất độc hóa học này có thể tồn tại trong môi trường suốt nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tuần.

Ai sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công tại Syria

Một cuộc điều tra được mở ra để xác định xem ai đứng đằng sau các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Mỹ, chất độc xuất hiện trong cuộc tấn công hôm 21/8 có khả năng bốc hơi nhanh, dễ hòa tan vào nước và có thể nhiễm vào thực phẩm, áo quần.

Trong một báo cáo bí mật của OPCW hôm 29/10 cũng cho hay, ít nhất 2 người đã tiếp xúc với khí mù tạt và rất có thể đây là nguyên nhân gây ra cái chết của một cháu bé trong cuộc tấn công hôm 21/8.

Những báo cáo này cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng khí mù tạt tại Syria kể từ khi nước này đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học trong kho dự trữ, trong đó có khí mù tạt lưu huỳnh.

Báo cáo không đề cập tới Nhà nước Hồi giáo, tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao cho hay, hóa chất này đã được sử dụng trong các vụ đụng độ giữa Nhà nước Hồi giáo và một nhóm phiến quân. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn rằng, “khí mù tạt đến từ đâu?”, nguồn tin cho biết thêm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby cho biết, OPCW khẳng định rằng các hóa chất độc hại, có thể chứa clo, được sử dụng trong lãnh thổ phe đối lập ở tỉnh Idlib. "Các nhân chứng cho biết, họ nghe tiếng trực thăng tại thời điểm vũ khí hóa học phát nổ. Chỉ có chế độ Assad mới có máy bay trực thăng," ông nói, ám chỉ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Vào tháng 9/2013 Syria đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học trong một  thỏa thuận đàm phán với Hoa Kỳ và Nga sau khi hàng trăm người thiệt mạng trong một vụ tấn công khí sarin ở ngoại ô thủ đô Damascus. 1.300 tấn vũ khí hóa học cuối cùng đã được bàn giao lại cho OPCW. Tuy nhiên, một số chính phủ phương Tây đã tỏ ý nghi ngờ rằng chính phủ của ông Assad không bàn giao toàn bộ kho vũ khí của mình.

Trước đó, OPCW cũng đã phát hiện ra khí chlorine được sử dụng bất hợp pháp trong cuộc nội chiến Syria.

Trong khi đó, chính quyền người Kurd đầu tháng này cho biết, các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã bắn đạn cối có chứa chất mù tạt vào các các chiến binh người Kurd ở miền bắc Iraq trong cuộc đụng độ hồi tháng 8. Trong mẫu máu lấy từ 35 chiến binh cho thấy, có dấu hiệu của khí mù tạt.

Một cuộc điều tra bởi tổ chức Cấm vũ khí hóa học LHQ (UN-OPCW) đang được mở ra để xác định xem ai đứng đằng sau các vụ tấn công có chứa hóa chất này.

Hoàng Kim