Kim Jong-Un dùng tên lửa “đáp trả” chiến lược 4D của Mỹ - Hàn
Thế giới - Ngày đăng : 14:54, 04/11/2015
Trước đó, trong cuộc hội đàm diễn ra tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo đã đi đến thống nhất đưa ra bản tuyên bố “chiến lược 4D”. Sở dĩ có thể gọi như vậy là vì trong tuyên bố này đã nêu rõ 4 nguyên tắc chỉ đạo hoạt động mà có thể được khái quát hóa một cách đầy đủ và dễ nhớ trong 4 chữ D, bao gồm: “Detect (phát hiện), Defense (phòng thủ), Disrupt (phá vỡ) và Destroy (tiêu diệt) tên lửa của Triều Tiên, nếu cần thiết”.
Chỉ ít lâu sau khi tin tức về chiến lược 4D nêu trên được công bố, Chủ tịch Kim Jong-Un đã yêu cầu quân đội và các nhà khoa học Triều Tiên nghiên cứu chế tạo ra những tên lửa tốt hơn nữa - cụ thể hiện đại hơn và chính xác hơn, Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap đưa tin.
Trong khi đó, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua (03/11) cho biết, quân đội Triều Tiên đã nhận được yêu cầu từ ông Kim trong cuộc tập trận ở khu vực phía Tây biên giới liên Triều.
Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-Un. Ảnh: Reuters/KCNA
Nhà lãnh đạo Kim “nhấn mạnh sự cần thiết của lĩnh vực khoa học quốc phòng đối với việc phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa các loại tên lửa chống máy bay mới đáp ứng được yêu cầu của một cuộc chiến tranh hiện đại để bảo vệ vững chắc bầu trời xanh quê hương khỏi bất kỳ cuộc không kích nào của kẻ địch”, theo KCNA.
Tuy nhiên, thời gian và địa điểm diễn ra cuộc tập trận nói trên không được thông tin một cách rõ ràng. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, rất có thể Bình Nhưỡng đã tiến hành diễn tập trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Hàn hội đàm tại Seoul.
“Thế nhưng Triều Tiên chỉ đưa ra thông báo sau đó (sau hội đàm Mỹ - Hàn - PV). Dường như đây là chiến lược nhằm đối phó với sự hợp tác giữa Seoul và Washington”, ông Yang Moo-jin - Giáo sư trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.
Vị lãnh đạo trẻ tuổi của Bình Nhưỡng bày tỏ sự không hài lòng với những nỗ lực mà quân đội nước này đã thể hiện. Ông yêu cầu đẩy mạnh hoạt động nhằm đảm bảo chương trình cải tiến tên lửa - hiện đại và chính xác hơn nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ quốc gia.
Trong báo cáo thường niên đánh giá sức mạnh quân đội Mỹ cũng như các nguy cơ tiềm ẩn mới nổi đe dọa Mỹ và các đồng minh trên toàn thế giới - có tên gọi 2016 Index of US Military Strength, nhóm tư vấn bảo thủ của Mỹ Heritage Foundation cho biết, Triều Tiên hiện sở hữu loạt tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công trúng mục tiêu trong lục địa Mỹ cũng như các vị trí quan trọng (của Mỹ) ở Thái Bình Dương.
“Triều Tiên sở hữu một đơn vị tên lửa đạn đạo quy mô lớn có thể tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản, và các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á”, báo cáo nêu, và lưu ý thêm, “Bình Nhưỡng đã triển khai ít nhất 400 tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Scud, 300 tên lửa tầm trung No-Dong, và khoảng 100 - 200 tên lửa đạn đạo liên lục địa Musudan”.
Nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng đối với Mỹ có thể nói đó là tên lửa đạn đạo KN-08. Trong một bài báo viết cho tờ 38 North của Đại học Johns Hopkins, hai chuyên gia về Triều Tiên John Schilling và Henry Kan đánh giá rằng, với tầm bắn tối đa tới 5.600 dặm, KN-08 có khả năng nhắm trúng mục tiêu ở vùng miền Tây nước Mỹ giáp Thái Bình Dương trong lục địa Mỹ.