Tàu chiến Mỹ tuần tra gần bãi đá ngầm, Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa "hậu quả"
Thế giới - Ngày đăng : 22:11, 27/10/2015
Sáng nay (27/10), một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục tên lửa USS Lassen “đã đi vào” vùng 12 hải lý quanh Bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khu vực có những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.
Bắc Kinh: Đã cảnh báo và theo dõi USS Lassen
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cáo buộc hoạt động của chiến hạm Hải quân Mỹ “xâm phạm bất hợp pháp” khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược cho là “lãnh hải của Trung Quốc”. Tuyên bố gọi đây là hành động “đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời đặt an toàn của những nhân viên làm việc tại bãi đá ngầm vào tình trạng nguy hiểm”; và nêu rõ đã “cảnh báo và theo dõi kể từ khi USS Lassen tiến sát tới các đảo nhân tạo”, theo CNN.
Không chỉ có vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn mạnh miệng đe dọa sẽ có “hậu quả xảy ra” nếu như “bất kỳ quốc gia nào quấy nhiễu, hoặc làm gia tăng căng thẳng” trên các lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định là “do mình làm chủ”.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng: “Bất kỳ quốc gia nào nghĩ rằng, có thể thông qua một vài mánh lới sẽ có thể can thiệp hoặc thậm chí ngăn cản Trung Quốc tham gia các hoạt động hợp lý và hợp pháp trong lãnh thổ của mình, tôi muốn đề nghị những nước đó hãy từ bỏ ngay ý nghĩ mơ mộng ấy”.
Phát ngôn viên này nói thêm: “Thực tế, nếu các bên liên quan tiếp tục tạo ra căng thẳng trong khu vực và làm cho mọi chuyện trở nên rắc rối, hành động này có thể buộc Trung Quốc phải đưa ra quyết định rằng, chúng tôi cần phải tăng cường và đẩy nhanh việc xây dựng các khả năng thích hợp. Tôi khuyên nước Mỹ đừng tự mình tạo ra một lời dự báo như vậy”.
Mỹ: Đây là hoạt động tuần tra thông thường
Về phía Washington, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, hoạt động của tàu chiến USS Lassen nằm trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra Bảo vệ tự do hàng hải (FON) trên Biển Đông và “hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Các quan chức Mỹ cho hay, họ không thông báo trước với phía Trung Quốc về chuyến tuần tra này, vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến thông điệp mà Mỹ muốn phát đi.
Một quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bay, lặn và hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà luật pháp quốc tế cho phép”. Theo ông, “các lực lượng Mỹ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên cơ sở thường nhật, kể cả Biển Đông”, đồng thời lưu ý những hoạt động như vậy “không liên quan đến vấn đề chủ quyền với những hòn đảo (nhân tạo) đó”.
Reuters cho biết thêm, chuyến tuần tra của tàu khu trục tên lửa USS Lassen sẽ tiến gần các đảo Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và khả năng sẽ được máy bay do thám P-8A và P-3 - vẫn thường xuyên tiến hành hoạt động trong khu vực hộ tống. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama nhiều lần khẳng định, sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào được luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông.
Mỹ đã điều tàu khu trục tuần tra gần khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn (ảnh) và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Ảnh: CSIS/DigitalGlobe
Cần tuân thủ đúng luật pháp quốc tế
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối đưa ra bình luật về hoạt động tuần tra của tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, ông lưu ý “điều vô cùng quan trọng là cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để bảo vệ một vùng biển không hạn chế, tự do và hòa bình”.
Còn phía Australia thì “ủng hộ mạnh mẽ” quyền của tất cả các nước trong việc đi lại qua Biển Đông, theo CNN.
Đài Loan lên tiếng phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với đảo Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Về phía Việt Nam, khi đề cập tới thông tin Mỹ có thể đưa tàu chiến vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 15/10/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: “Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này” trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có các đảo Subi và Vành Khăn là thuộc chủ quyền của Việt Nam.