Mục tiêu thực sự của Nga tại Syria
Thế giới - Ngày đăng : 21:17, 09/10/2015
Nhiều người, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng ông Putin đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi can thiệp vào mớ bòng bong Syria. Điều này hoàn toàn đúng nếu xét từ góc độ của một chính trị gia phương Tây, song với Nga thì “chiến thắng” lại được định nghĩa theo cách hoàn toàn khác.
Lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất mà chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đem lại là củng cố sức mạnh cho chế độ đang chật vật của Tổng thống Bashar al-Assad. Syria, một đồng minh lâu dài của Nga và Liên bang Xô viết cũ, chính là chiếc mỏ neo giá trị để Nga duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Nga hiện hậu thuẫn Iran xây dựng một trục quyền lực Hồi giáo Shi’ite, trải dài từ Afghanistan tới Liban và đi qua Iran, Iraq, Syria.
Máy bay ném bom Su-24 Nga ở sân bay Latakia của Syria
Duy trì quyền lực cho ông Assad là điều mà Nga muốn, bởi Moskva coi chính quyền Damascus là bức tường thành để chống lại sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ hiện hữu của một nhà nước do giới Sunni cầm quyền hay thậm chí là một chế độ dân chủ dưới trướng phương Tây. Với Nga, trong số 4 lựa chọn trên, có lẽ mối đe dọa từ IS là điều ít tồi tệ nhất. Song đây chỉ là điều nhất thời, bởi sự hiện diện của tổ chức khủng bố này buộc phương Tây phải can thiệp ngày càng sâu để nhổ tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới một trong những lựa chọn còn lại. Một Syria hòa bình không còn chịu ảnh hưởng của Nga sẽ dẫn tới kết quả là sự hình thành của các đường ống dẫn khí đốt và dầu mỏ từ Bán đảo Arập tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, đồng thời thu hẹp tầm ảnh hưởng của Nga đối với thị trường châu lục này. Tuy nhiên, thực tế là Tổng thống Putin không cần giành phần thắng về cho ông Assad. Điều mà nhà lãnh đạo cứng rắn này cần chỉ là duy trì chế độ Damascus để đảm bảo Syria không rơi vào quỹ đạo của phương Tây.
Chừng nào quân đội Nga vẫn còn hiện diện ở Syria để bảo vệ chế độ Assad, các lực lượng bên ngoài vẫn khó có thể tấn công và chiếm ưu thế so với chính quyền. Ngay khi Nga bắt đầu triển khai quân đội và máy bay tới Syria, Washington đã bắt đầu liên lạc với phía Moskva để thảo luận về các biện pháp giảm xung đột trên chiến trường. Để tránh những vụ đụng độ không đáng có giữa các máy bay của Nga và quân đội đồng minh, Nga nhiều khả năng sẽ thúc đẩy kế hoạch thiết lập các vùng đệm xung quanh lực lượng chính quyền Damascus- hiện đang được người Nga hậu thuẫn. Theo thông tin từ phía Nga, quân đội nước này chỉ chấp nhận hợp tác với Mỹ và quân đồng minh trong các chiến dịch tấn công IS và các nhóm nổi dậy khác.
Điều mà Nga muốn đưa vào thỏa thuận, nếu có, sẽ là các thông tin chi tiết về IS và các nhóm phiến quân khác không thuộc IS. Hiện Nga, Iran, Iraq và Syria đã ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo phục vụ cho các cuộc tấn công nhằm vào IS, và nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ tiếp tục được mở rộng. Nga coi tất cả các lực lượng chống Assad là những kẻ khủng bố và là mục tiêu mà Nga có quyền tấn công một cách hợp pháp. Thậm chí, Tổng thống Putin còn không hề “nể mặt” quân đồng minh phương Tây, công khai tấn công cả các lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn thay vì đổ lỗi các vụ không kích “nhầm” mục tiêu này là do thiếu sự phối hợp song phương.
Phương Tây đã đổ hàng tỷ USD vào Syria và Iraq song kết quả thu được cho tới nay không hề khả quan như mong đợi. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc có thể tốn ít tiền của hơn mà vẫn đủ sức ngăn phương Tây giành chiến thắng tại Trung Đông. Một chiến thắng đối với phương Tây phải bao gồm sự thay đổi chế độ tại Syria. Tuy nhiên, với sự hiện diện và những hỗ trợ mà Nga và Trung Quốc dành cho Syria, mọi nỗ lực tại quốc gia Trung Đông này đều phải có sự phối hợp với hai quốc gia này. Không chỉ có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), giờ đây họ còn có khả năng “phủ quyết” trên thực địa. Chừng nào phương Tây chưa thể ổn định tình hình Trung Đông, họ khó có thể đủ khả năng tập trung hơn cho các mục tiêu tại Ukraine hoặc Đông Á. Điều này cho phép Nga và Trung Quốc tự do “dụng võ” tại những khu vực mà họ coi là có tầm quan trọng chiến lược.
Nga đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ EU khi đưa ra nhiều mức giá bán khí đốt khác nhau với từng quốc gia. Trong khi đó, nhiều nước EU bất đồng về các lệnh trừng phạt đối với Nga, bởi nhiều nước muốn khôi phục quan hệ thương mại với cường quốc này để thúc đẩy nền kinh tế chung đang trên đà suy thoái. Ở góc độ nào đó, Nga không phải là nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát làn sóng di cư song họ có thể nhân cơ hội này đẩy mạnh hơn nữa “cuộc chiến” đa diện nhằm vào châu Âu.
Thế giới đang chứng kiến những căng thẳng chưa từng có thách thức sự thống nhất và giấc mơ hội nhập châu Âu. Trong thời gian tới, áp lực đòi hỏi giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân cuộc khủng hoảng này có thể sẽ dẫn tới một chiến dịch thiết lập các vùng an toàn hoặc thay đổi chế độ tại Syria. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Nga tại quốc gia này chỉ làm phức tạp thêm tình hình, nếu không muốn nói là cản trở kịch bản này. Nga cho rằng việc thiết lập các vùng an toàn phải được sự đồng ý và do Chính quyền Damascus kiểm soát. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở Syria chắc chắn sẽ tạo ra nguy cơ đụng độ giữa lực lượng đồng minh và quân đội Nga. Những lợi ích từ chiến dịch không kích tại Syria là điều rất có giá trị đối với liên minh chống phương Tây mà Nga dựng lên, song mục tiêu quan trọng mà Moskva hướng tới có thể chính là sự sụp đổ của giấc mơ thống nhất châu Âu.