Ngoại trưởng Nga: Thế giới đơn cực không thể tồn tại lâu

Thế giới - Ngày đăng : 21:13, 02/10/2015

Trật tự thế giới đơn cực ngày nay sẽ không thể tồn tại lâu hơn nữa. Các trung tâm tăng trưởng kinh tế mới hùng mạnh đang nổi lên ở châu Á và Mỹ Latinh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định.

Ngoại trưởng Nga: Thế giới đơn cực không thể tồn tại lâu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Venezuela ngày 01/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng: “Những thói quen cũ thật khó bỏ. Việc từ bỏ cảm giác thống trị toàn cầu thật không dễ dàng, và tiến trình này sẽ còn kéo dài và nhiều vất vả. Thế nhưng, tôi chắc chắn trên hành trình dài đó chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng cần phân phối lại trách nhiệm của mình trong việc giải quyết mâu thuẫn đối với các nền kinh tế tài chính và thương mại”.

Ông cũng nhấn mạnh cần phải kết thúc việc áp dụng các luật lệ của một quốc gia này trên lãnh thổ quốc gia khác. Theo ông, tất cả điều này nên được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và không làm suy yếu quyền lực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

“Chúng tôi phản đối bất kỳ sự sửa đổi vội vàng nào ở đây… Tất cả những vấn đề này cần được giải quyết với một nhận thức đầy đủ về thực tế khó khăn đó là nền chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu sẽ không chịu sự chỉ đạo bởi một trung tâm duy nhất, mà có các trung tâm tăng trưởng kinh tế và tài chính hùng mạnh mới nổi lên ở châu Á và châu Mỹ Latinh làm tăng thêm quyền lực chính trị cho những cường quốc kinh tế mới này”, ông Lavrov lưu ý.

Nga muốn bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. “Đây là một nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc, mà thật không may, nó thường xuyên bị vi phạm”, Ngoại trưởng Nga cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Lavrov cũng kêu gọi có sự tái phân bổ ngân sách và hạn ngạch, kể cả trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), "điều mà tất cả chúng ta đã nhất trí khoảng mười năm về trước”.

Đồng thời, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cảnh báo chống lại nguyên tắc của cái gọi là “đặc quyền ngoại giao pháp lý” khi các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt nhằm mục đích phá hoại sự ổn định kinh tế và xã hội của một quốc gia.

“Quan hệ kinh tế, thương mại, trao đổi công nghệ, tất cả những điều này là chìa khóa cho sự phát triển, trong khi biện pháp trừng phạt đơn phương cản trở việc theo đuổi một cuộc sống tốt hơn của các nước”, ông Sergei Lavrov kết luận.

Minh Thi